Sau tết năm 1975, Tưởng Giới Thạch yêu cầu nguyên lão Trần Lập Phu của Quốc dân Đảng thông báo với Đảng Cộng sản qua kênh thông tin bí mật rằng: có thể sẽ mời Mao Trạch Đông sang thăm Đài Loan.
Sau khi biết tin này, Mao Trạch Đông hết sức vui mừng. Vì sức khỏe không tốt nên chủ tịch Mao muốn cử Đặng Tiểu Bình đến thăm Đài Loan. Đúng thời điểm Trần Lập Phu tích cực tìm cách liên lạc với đại lục, Tưởng Giới Thạch đã qua đời vì bệnh vào ngày 5/4 năm đó. Cuộc gặp giữa hai bờ đất nước lại bị gián đoạn một lần nữa.
Bài viết được trích từ một bài báo có tựa “Quan hệ Mao-Tưởng sau ngày thành lập Tân Trung Hoa” được viết năm 2007.
Sau khi thành lập Tân Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch chưa từng gặp lại Mao Trạch Đông. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hai người không có bất cứ sự liên lạc nào. Chỉ là, phương thức liên lạc giữa hai người họ được tiến hành theo một cách hoàn toàn đặc biệt.
Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Nguồn: Duowei |
Mao Trạch Đông nhận thấy Tưởng Giới Thạch không muốn chia cắt Trung Quốc
Năm 1950, chiến tranh nổ ra tại Triều Tiên. Mỹ cử hạm đội 7 sang vùng biển của Đài Loan. Ngày 26/7, lấy cớ việc Đảng Cộng sản chiếm Đài Loan ảnh hưởng đến an toàn khu vục Thái Bình Dương, Harry S. Truman (cựu Tổng thống Hoa Kỳ) đã công khai đưa ra thuyết “Chưa quyết định chủ quyền Đài Loan”. Khi ấy, suy nghĩ của Tưởng Giới Thạch vô cùng mâu thuẫn. Một mặt, với quân đội của mình, ông không thể giữ được Đài Loan, nên ông vô cùng hy vọng Mỹ sẽ giúp đỡ ông. Ông càng hy vọng cái “ô bảo vệ” được tạo ra bởi hạm đội 7 của Mỹ sẽ được duy trì lâu dài tại vùng biển này. Nhưng mặt khác, ông cũng nhìn thấy âm mưu muốn “xâu xé” Trung Quốc của người Mỹ. Thuyết “Chưa quyết định chủ quyền Đài Loan” của Truman chính là một phần trong âm mưu “xâu xé” đó. Vì vậy, Tưởng Giới Thạch đã không đồng ý khi đàm phán về vấn đề này. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông hạ quyết tâm cho dù đồng ý để hạm đội 7 của Mỹ vào vùng biển này, ông vẫn giữ vững lập trường duy trì tư tưởng “một Trung Quốc”. Khi Mỹ đưa ra thuyết “Chưa quyết định chủ quyền Đài Loan”, ông cũng công khai thái độ này của mình.
Ngày 28/6, Ngoại trưởng Quốc dân Đảng Diệp Công Siêu nhận ủy quyền của Tưởng Giới Thạch đã đưa ra một tuyên bố. Một mặt tiếp nhận kế hoạch quốc phòng tại Đài Loan của Mỹ, mặt khác tuyên bố rõ ràng rằng: Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc, việc này đã được các nước công nhận. Việc Quốc dân Đảng tiếp nhận kế hoạch quốc phòng của Mỹ hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến lập trường duy trì toàn vẹn lãnh thổ. Ông cũng đặc biệt tuyên bố: “Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”, “Trung Quốc có quyền sở hữu đối với Đài Loan”.
Sau khi nghe tuyên bố của Diệp Công Siêu, Mao Trạch Đông nói, Tưởng Giới Thạch vẫn còn chút lương tâm, không muốn chia cắt Trung Quốc, không muốn thành tội nhân thiên cổ.
Tháng 12/1954, Mỹ và Đài Loan ký “hiệp ước phòng thủ” với đại lục. Để thể hiện lập trường phản đối quyết liệt của chính phủ Trung Quốc và phá hoại âm mưu cố định hóa tình trạng tại biển Đài Loan, Mao Trạch Đông đưa ra một đòn quyết định. Ngày 18/1/1955, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tiến hành tác chiến, kết hợp sử dụng hải quân, không quân và lục quân tấn công trên biển lần đầu tiên sau khi thành lập đất nước. Địa điểm của cuộc tấn công đầu tiên là một đảo được coi là cửa ngõ của Đài Loan. Trong tình hình ấy, Mỹ và Tưởng Giới Thạch vô cùng hoang mang. Một mặt tăng cường lực lượng tại vùng biển này, mặt khác tìm kiếm sự “hỗ trợ” từ nước ngoài. Trong thời gian này, Tưởng Giới Thạch và Mỹ đều có những toan tính của mình. Tưởng Giới Thạch tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc tế nhằm mở rộng không gian sinh tồn của mình trên thế giới, tìm kiếm thêm các sự viện trợ từ nước ngoài. Nhưng Mỹ muốn mượn cơ hội này để phân tách Trung Quốc, thực hiện kế hoạch “hai Trung Quốc”. Để đạt được mục đích này, Mỹ đã kế hoạch quốc tế hóa các vấn đề của Đài Loan.
Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã nhanh chóng kêu gọi “đến chấm dứt chiến tranh tại ven biển Trung Quốc” thông qua Liên hợp quốc. Mỹ còn liên tục tổ chức các hoạt động ngoại giao lớn. Mục đích của Mỹ là muốn tiến vào vùng biển này với cớ chấm dứt chiến tranh, từ đó biến vấn đề nội bộ của Trung Quốc thành một vấn đề lớn mang tầm cỡ quốc tế. Tưởng Giới Thạch cũng hiểu rõ những “âm mưu” này của Mỹ. Ông quyết định kiên quyết từ chối “ý tốt” này của Mỹ. Ngày 14/2/1955, Tưởng Giới Thạch đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới nước ngoài: “Trong hơn bốn nghìn năm lịch sử Trung Quốc, tuy có những việc như quân bán nước câu kết với các lực lượng nổi loạn, nhưng không lâu sau đó đất nước đều được thống nhất”. “Trong vấn đề duy trì và bảo vệ thống nhất đất nước, đây cũng là lập trường cơ bản về việc lấy thân báo quốc của nhân dân Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch cũng cho biết ông quyết không từ bỏ trách nhiệm hàng đầu của việc thống nhất đại lục. Đại lục và Đài Loan đều là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, không dễ dàng tách rời.”
Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower. Nguồn: Internet |
Sau khi xem xong những tài liệu về phát biểu này của Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông nhận xét rằng: suy nghĩ của Mỹ và Tưởng Giới Thạch là hoàn toàn khác nhau trong vấn đề duy trì bảo vệ một Trung Quốc thống nhất. Dưới các Chính sách của Mao Trạch Đông và các nỗ lực ngoại giao, chính phủ Trung Quốc cũng có được những sự hỗ trợ từ Liên Xô và một số nước Đông Âu. Từ đó Trung Quốc đã nhanh chóng phá hủy âm mưu quốc tế hóa vấn đề Đài Loan của Mỹ. Sau đó, Mao Trạch Đông viết: “Không thể tin được người Mỹ.” trong “Thư gửi đồng bào Đài Loan” gửi tới Tưởng Giới Thạch.
“Tưởng Giới Thạch làm tổng thống Đài Loan vẫn là tốt nhất”
Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, dưới sự cai trị độc đoán của Quốc dân Đảng, Đài Loan đã xuất hiện một sự việc chưa bao giờ xảy ra. Một số người Đài Loan, bao gồm một số người thuộc nội bộ Quốc dân Đảng đã đưa ra những biểu ngữ của cuộc bầu cử dân chủ, muốn tranh cử “tổng thống”. Nhưng thực ra, đằng sau sự việc này đều là âm mưu của người Mỹ.
Khi thấy Tưởng Giới Thạch không phối hợp thực hiện kế hoạch “hai Trung Quốc”, Mỹ có ý định đưa một người “nghe lời” Mỹ lên làm “tổng thống” thay cho Tưởng Giới Thạch.
Dưới những hành động của phía Mỹ, chính quyền Đài Loan đã nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động tuyển chọn “tổng thống”. Có người tiến cử Trần Thành, cũng có người tiến cử Hồ Thích. Hồ Thích là một trong những thành phần “thân Mỹ”, nhưng là một văn nhân, không có kinh nghiệm về quản lý chính trị nên khả năng được lựa chọn làm “tổng thống” không cao. Vì vậy, Mỹ hết sức ủng hộ cho Trần Thành. Mỹ ủng hộ Trần Thành tranh cử nhằm mục đích thực hiện một “cuộc cách mạng” chính trị sau khi đắc cử. Cuộc “cách mạng” này sẽ khiến Tưởng Giới Thạch từ bỏ quyền lực, giúp Mỹ dễ dàng thực hiện kế hoạch “hai Trung Quốc”. Tưởng Giới Thạch hiểu rõ được những âm mưu này của Mỹ. Bề ngoài tưởng như đồng ý với kế hoạch tranh cử dân chủ, nhưng trên thực tế, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn không có ý định từ bỏ quyền lực.
Chính vào thời điểm này, Mao Trạch Đông đã thể hiện thái độ: Tưởng Giới Thạch làm “tổng thống” Đài Loan vẫn là tốt nhất. Mao Trạch Đông đã phát biểu trong một lần gặp khách nước ngoài: “Về vấn đề tổng thống Đài Loan, tôi nghĩ Tưởng Giới Thạch vẫn tốt hơn Trần Thành và Hồ Thích. Tại các hoạt động quốc tế, chúng tôi sẽ không tham gia nếu Tưởng Giới Thạch muốn có mặt.”
Những lời nói này của Mao Trạch Đông hết sức rõ ràng, Cộng sản Đảng chỉ hy vọng Tưởng Giới Thạch làm “tổng thống” tại Đài Loan, và cũng chỉ muốn Tưởng Giới Thạch làm “tổng thống” của Đài Loan. Chúng tôi sẽ cho Tưởng Giới Thạch một không gian hoạt động quốc tế nhất định, “những hoạt động quốc tế, có Tưởng Giới Thạch tôi sẽ không đi”. Không chỉ vậy, còn muốn Tưởng Giới Thạch “ổn định” làm tổng thống tại Đài Loan, “cho ông ta một ít quân”.
Những lời nói này là Mao Trạch Đông có ý nói trước mặt vị khách nước ngoài. Những lời nói này thật sự đã tạo ra ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Sau này, việc Tưởng Giới Thạch thắng lợi trong cuộc bầu cử và tiếp tục làm “tổng thống” Đài Loan có liên quan mật thiết đến những ủng hộ trong lời nói này của chủ tịch Mao.
Lần đầu tiên Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cử người liên lạc trung gian
Do đạt được sự đồng thuận trong vấn đề duy trì “một Trung Quốc, hai bên đã có những hợp tác bí mật trong việc lật tẩy âm mưu “hai Trung Quốc của Mỹ”. Kết hợp với ý kiến công khai ủng hộ Tưởng Giới Thạch làm “Tổng thống” của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch đã có những tính toán trong việc thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao cũng muốn lợi dụng Tưởng Giới Thạch để giải phóng hòa bình tại Đài Loan, vì vậy cũng đồng ý có những cuộc liên lạc với Tưởng Giới Thạch. Trong buổi nói chuyện với khách nước ngoài vào ngày 5/5/1956, Chu Ân Lai nhờ chuyển lời tới Tưởng Giới Thạch rằng: “Nếu Tưởng Giới Thạch đồng ý để Đài Loan thống nhất với Trung Quốc, đây là công lao lớn, nhân dân Trung Quốc sẽ tha thứ cho những tội lỗi trước đây của Tưởng Giới Thạch”. Sau khi nghe những câu nói này, Tưởng Giới Thạch càng muốn sớm được nói chuyện với phía Đảng Cộng sản.
Cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước, hai bên đều nỗ lực tìm kiếm người liên lạc trung gian. Sau này, Tào Tụ Nhân chính là người được chọn.
Tào Tụ Nhân là một nhà văn hóa có năng lực chính trị nhất định, đã từng có những tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng. Hai Đảng đều coi ông là thượng khách. Ông cũng không có thái độ gì với hai Đảng. Chính vì các nguyên nhân này, khi Cộng sản Đảng Trung Quốc giải phóng đại lục, ông không lưu lại Trung Quốc làm công tác chính trị cho Tân Trung Hoa, cũng không làm cho chính phủ Quốc dân Đảng của Đài Loan mà chạy sang Hong Kong. Ông chỉ muốn làm một người quan sát “không nằm trong bất cứ núi nào”.
Theo quyết định của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc đã hai lần tìm đến gặp Tào Tụ Nhân vào giữa năm 50 của thế kỷ trước. Một lần là Tưởng Kinh Quốc bí mật cử một đội đến Hongkong đón Tào Tụ Nhân tới Đài Loan. Trong khi Tào Tụ Nhân đến Đài Loan, ông đã nói bí mật nói chuyện với Tào Tụ Nhân về việc làm thế nào để thiết lập liên lạc giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng. Lần khác là đích thân Tưởng Kinh Quốc đến Hongkong tìm Tào Tụ Nhân, tiếp tục đàm phán về vấn đề làm thế nào để nói chuyện với Cộng sản Đảng. Sau khi đồng ý sự nhờ vả của Tưởng Giới Thạch, Tào Tụ Nhân đã được Tưởng Giới Thạch mời đến Đài Bắc. Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc đã gặp Tào Tụ Nhân tại Dương Minh Trung Quốc. Trong buổi gặp mặt, Tưởng Giới Thạch đã bày tỏ thái độ đồng ý sẽ tìm cách liên lạc với đại lục. Ông cũng cho biết: “Lần này đến đại lục, ông phải làm rõ mục đích thực sự của phía đại lục”.
Tào Tụ Nhân. Nguồn Internet |
Tháng 7/1956, Tào Tụ Nhân đến Bắc Kinh. Ngày 16/7, Chu Ân Lai đã gặp Tào Tụ Nhân tại Di Hòa Viên. Sau khi nghe nguyện vọng của Tưởng Giới Thạch qua lời kể của Tào Tụ Nhân, Chu Ân Lai đã đưa ra phương châm “hợp tác lần 3”. Chu Ân Lai cho biết, mục đích của hợp tác lần ba này chính là để thống nhất Trung Quốc. Với Đài Loan, “chỉ cần thống nhất chính quyền, các vấn đề khác đều có thể ngồi xuống đàm phán”. Chiều ngày 3/10, Mao Trạch Đông đã gặp Tào Tụ Nhân tại Hoài Nhân đường tại Nam Trung Hải. Trong buổi gặp mặt, Mao Trạch Đông đã đưa ra một số dự định mang tính xây dựng về “hợp tác lần ba”. Mao Trạch Đông cho biết: đóng góp của Tưởng Giới Thạch cho lịch sử cận đại là không thể phủ nhận. Ông còn dẫn Tào Tụ Nhân đi thăm quan đây đó. Ngày thứ hai, khi Chu Ân Lai đến tìm Tào Tụ Nhân đã nói rằng bây giờ Tào Tụ Nhân đã là khách của đại lục, đại lục luôn chào đón ông.
Sau đó, Tào Tụ Nhân đã nhiều lần đi lại giữa đại lục và Đài Loan, bận rộn chuyện giao lưu giữa hai Đảng. Mỗi lần Tào Tụ Nhân đến đại lục, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đều có những buổi nói chuyện bí mật với ông. Trong mỗi buổi nói chuyện, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đều thể hiện thiện chí trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình. Sau khi đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, Mao Trạch Đông còn dành cho Tưởng Giới Thạch những điều kiện và đãi ngộ “hào phóng”. Sau đó về Hongkong và bay đến Đài Loan đã gặp mặt trực tiếp với cha con họ Tưởng, chuyển lời của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.
Sau nhiều lần trò chuyện, hai Đảng đã có những nhận thức chung trên nhiều vấn đề quan trọng. Ví dụ như, hai Đảng đều kiên trì bảo vệ “một Trung Quốc”, đều muốn bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng đều hy vọng sẽ giải quyết vấn đề của Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình. Điều quan trọng nhất là nhờ sự giúp đỡ của Tào Tụ Nhân hai bên đều có sự tin tưởng nhất định với đối phương.
Nghiêm Thu (Duowei)