Tướng về hưu James Mattis, người được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Washington cần sẵn sàng đối đầu với Nga khi cần thiết.
"Tôi về cơ bản ủng hộ hợp tác nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng ngày càng ít lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Nga. Tôi sẽ cân nhắc đến các mối đe dọa chủ yếu, bắt đầu với Nga", ông Mattis nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 12/1.
Khi được hỏi về khả năng Mỹ có đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, ứng viên đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nói rằng ông muốn gặp nhóm an ninh quốc gia mới của Tổng thống đắc cử Trump để "vạch ra một chiến lược đối đầu với Nga" vì những gì Moscow đã làm.
Ông Mattis nhắc đến cáo buộc Nga tấn công mạng và cuộc chiến thông tin như hai trong số các thách thức mà nước này gây ra.
Những thách thức khác từ Moscow được ông cho là "vi phạm hiệp ước, các hoạt động gây bất ổn ở nước ngoài và những thông điệp báo động từ Moscow liên quan đến sử dụng vũ khí hạt nhân".
Ông James Mattis, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ông Mattis còn cáo buộc Nga cố gắng làm suy yếu NATO. Tuy nhiên, ông cũng ủng hộ ông Trump có quan hệ tốt hơn với Nga.
Giống ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson, Tướng Mattis cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc khi chỉ trích hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, bố trí các hệ thống phòng không ở Biển Đông là phi pháp.
"Tôi cho rằng trật tự thế giới đang bị tấn công mạnh mẽ nhất kể từ Thế chiến II, nó đến từ Nga, từ các nhóm khủng bố và những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông", ông nói.
Ông Mattis cho rằng Trung Quốc là một phần của cuộc tấn công ngày càng tăng vào sự ổn định của thế giới. Ông nói quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc cần được kiểm soát thận trọng.
Reuters cho biết, với 24 phiếu thuận, 3 phiếu chống, Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã ủng hộ bãi bỏ điều luật vốn cấm tướng về hưu như ông Mattis đảm nhiệm chức vụ quân đội trong 7 năm. Ủy ban quân vụ Hạ viện cũng thông qua bãi bỏ điều luật với 34 phiếu thuận, 28 phiếu chống. Đây có thể coi là động thái mở đường để ông Mattis được phê chuẩn trở thành Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của Mỹ.
Tuy nhiên, để chính thức trở thành chủ nhân của Lầu Năm Góc, ông Mattis cần được sự phê chuẩn của cả Thượng viện và Hạ viện.
[mecloud]DDLvafxa8s[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)