Cơ duyên đưa đẩy với đạo diễn Lương Đình Dũng
Sau khi kết thúc dự án phim Bão qua làng (2014) thì cơ duyên đưa đẩy cố NSND Trần Hạnh gặp gỡ với đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng.
Gặp gỡ với một trong những cây đa cây đề của làng phim, đạo diễn Lương Đình Dũng không khỏi e dè và ngại ngùng.
Sau khi cố NSND Trần Hạnh nhận lời mời tham gia vào dự án Cha Cõng Con của mình, đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn không thoát khỏi sự dè dặt vì sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, khi mình chỉ là một tên 'lính mới'.
>>Đừng bỏ lỡ: Cố NSND Trần Hạnh với loạt vai diễn để đời và cuộc sống bình dị sau ánh đèn sân khấu
Nhưng cố NSND Trần Hạnh đã không ngần ngại nói rằng 'Cháu là đạo diễn, chú là diễn viên. Diễn viên sẽ làm theo ý đạo diễn'.
Cũng chính câu nói 'như được mở cờ trong bụng' này mà Lương Đình Dũng đã lấy được sự tự tin cũng như thoái mái hơn khi làm việc chung cùng cố NS.
Hình ảnh 'quỳ' của ông già mù do cố NSND Trần Hạnh thủ vai gây nhiều tranh cãi
Nhận lời tham gia bộ phim này và thủ vai ông già mù có người cháu bị bệnh nặng sắp qua đời.
Trong phim có một cảnh mà không ít người phải ám ảnh chính là hành động ông già mù (cố NSND Trần Hạnh thủ vai) phải quỳ xuống để xin con gà nấu cháo cho đứa cháu của mình do gia cảnh quá túng quẫn.
Cảnh này trước khi quay đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều người cho rằng điều này là không cần thiết khi bắt 1 cụ già phải quỳ xuống như vậy.
Tuy nhiên, NSND Trần Hạnh không ngần ngại mà kiên quyết làm vì đây là ý đồ của đạo diễn.
Thậm chí, người nghệ sĩ có tâm với nghề còn cẩn thận trao đổi với đạo diễn trẻ trước khi bấm máy để tạo được hiệu ứng tốt nhất và chạm được đến trái tim của khán giả.
Và điều khó tin là cảnh này chỉ cần 2 đúp đã hoàn thành bởi cố NSND Trần Hạnh diễn quá nhập tâm, khiến nhiều người thực sự xúc động.
Bộ phim Cha cõng con dù sự xuất hiện của cố NSND Trần Hạnh không quá nhiều nhưng cũng đủ để tạo thành một điểm nhấn, một nốt trầm buồn đầy lắng đọng, khiến nhiều người chỉ biết lặng lòng.
Sự tận tâm với nghiệp diễn của cố NSND Trần Hạnh trong con mắt của đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng cũng giống như một hình ảnh đẹp của hậu thế đối với tiền nhân.
Theo chia sẻ của vị đạo diễn trẻ, khi làm việc chung cùng cố NSND Trần Hạnh, khi có một cảnh quay ở Viện Huyết học, cả ekip đều rất lo lắng cho sức khỏe của cố NSND Trần Hạnh (thời điểm này ông đã ngoài 85 tuổi) nhưng cố NS vẫn một mực gạt đi và bảo mình không sao, cứ làm việc để tránh ảnh hưởng đến người khác.
'Cha Cõng Con' vụt sáng nhưng 'người muôn năm cũ' nay đâu?
Sau khi cái tên Cha Cõng Con trở thành cái tên được nhiều tổ chức mua bản quyền và nhiều LHP mời tham dự, nó đã trở thành cái tên vụt sáng khi được công chiếu ở hơn 10 quốc gia như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Ấn Độ...và dành nhiều giải thưởng quốc tế vô cùng danh giá như: Phim Châu Á xuất sắc tại LHP Quốc tế Fajr lần 36, Kịch bản xuất sắc nhất của LHP Quốc gia Việt Nam lần thứ 20...
Thậm chí bộ phim cũng được chọn làm đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar lần thứ 90 và đoạt giải Phim Xuất sắc nhất hạng mục NETPAC tại LHP Barcelona năm 2019.
Trong suốt cuộc hành trình cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật của mình, cố NSND Trần Hạnh cũng đều tâm niệm một điều là đem đến những vai diễn chân thật nhất, mộc mạc nhất đến với khán giả. Cái máu của người nghệ sĩ cũng khiến ông có thể 'thao thao bất tuyệt' kể về nghề, nhớ về những kỷ niệm với nghiệp diễn và trăn trở với vai diễn của mình.
Nền điện ảnh Việt Nam có những người như cố NSND Trần Hạnh thực sự là một điều vô cùng quý giá, bởi không phải ai cũng đủ đam mê, cũng đủ tình yêu tha thiết với nghề như ông 'Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn theo nghề diễn'.
Và trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời mình, 'cánh én nhỏ' Trần Hạnh vẫn không quên cống hiến và góp sức mình và 'mùa xuân' chung của điện ảnh Việt.
Giống như một nốt nhạc trầm bổng giữa cuộc đời, cố NSND Trần Hạnh cùng giai điệu yêu nghề của mình vẫn mãi là thanh âm sáng trong và vang vọng nhất. Những khán giả trẻ, những người đã có tuổi thơ đã gắn bó với hình ảnh một ông lão nông hiền lành trong phim Việt, hay cả những hậu thế đang nối nghiệp ông đều không khỏi lặng lòng trước sự mất mát ấy.
Xin được thành kính thắp một nén tâm nhang đến người nghệ sĩ gạo cội, đến người ông 'bình dị' trên màn ảnh Việt, đến 'người đàn ông khắc khổ nhất' trên màn ảnh của điện ảnh Việt Nam...