Trong showbiz Việt, O Sen Ngọc Mai có lẽ là trường hợp vô cùng đặc biệt khi bước ra từ chương trình Ca sĩ mặt nạ với vị trí quán quân nhưng cái kết lại bị khán giả tẩy chay mạnh mẽ. Theo thống kê nhóm antifan của nữ ca sĩ hiện tại đã lên tới hơn 55 nghìn thành viên. Có thể nói chưa từng có quán quân nào con số antifan lại lớn đến như vậy hậu đăng quang chỉ vài tháng.
Điều đáng bàn ở đây là Ngọc Mai không phải một ca sĩ kém, cô là thạc sĩ - giảng viên thanh nhạc có giọng hát, kỹ năng, chuyên môn đủ cả. Thông thường khán giả chỉ anti những người hát kém, yếu kỹ thuật mà thôi nên trường hợp của bà xã Quốc Nghiệp càng khiến cho nhiều người thêm phần khó hiểu.
Ngọc Mai bước ra từ cuộc thi ca nhạc, cô được nhận rất nhiều lời ca tụng như "coloratura soprano hàng đầu Việt Nam", "giọng hát quý hiếm bậc nhất", "tứ trụ nhạc thính phòng", "bậc thầy họa ngôn ca", "hát nhạc gì cũng hay và ra chất", "đệ nhất dân ca ba miền"…
Nhưng những lời ca tụng này thực sự chưa đúng với thực lực của Ngọc Mai, chỉ là những lời tâng bốc quá đà tạo nên chiếc áo có phần quá rộng so với nữ ca sĩ. Điều này lâu dần gây phản cảm, tranh cãi từ công chúng đến giới chuyên môn. Có thể xem đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc O Sen Ngọc Mai bị chỉ trích.
Đầu tiên là việc Ngọc Mai không phải giọng coloratura soprano. Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là từ chỉ một loại sắc thái (fach) của giọng nữ cao (soprano), bắt nguồn từ nhạc cổ điển/Opera, dùng để phân biệt với các loại sắc thái giọng nữ cao khác như lirico soprano, spinto soprano, dramatic soprano, falcon soprano…
Trên trang wiki định nghĩa rằng coloratura soprano có âm vực rộng hơn so với các loại nữ cao khác, đặc biệt về âm khu cao. Giọng này có khả năng luyến láy các nốt ở âm vực cao rất tốt, được phân biệt với các loại giọng khác bằng sự linh hoạt trong việc chạy note và trills. Coloratura soprano phải thực hiện được hàng loạt kỹ thuật hoa mỹ màu sắc như staccato, melisma, vocal runs, trillo… ở mức điêu luyện.
Khác với các sắc thái giọng khác của loại giọng nữ cao, coloratura soprano đa phần không thuộc về bẩm sinh mà thiên về luyện tập. Tức là, một lirico soprano, spinto soprano hay dramatic soprano nếu luyện tập đúng cách và trường kỳ cũng sẽ thành coloratura soprano. Tất nhiên, vẫn có một số ít coloratura soprano mang tính bẩm sinh với những lợi thế trời cho có sẵn.
Coloratura soprano không phải giọng hiếm như những lời ca tụng về Ngọc Mai vì nó thiên về luyện tập nhiều hơn bẩm sinh. Coloratura soprano có mặt ở khắp các quốc gia, vùng miền, thậm chí Việt Nam cũng chẳng thiếu. Dựa vào các lý thuyết trên, có thể nhận định, ca sĩ Ngọc Mai không phải coloratura soprano.
Ngọc Mai không phải một giọng coloratura soprano. Cô là một giọng light lirico soprano. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công tâm, Ngọc Mai là một light lirico soprano có kỹ thuật tốt khi thực hiện được nhiều đoạn chạy nốt nhanh, agility của cô khá ổn. Đó là thành quả học tập, rèn luyện của Ngọc Mai trong nhiều năm, rất đáng trân trọng. Thế nhưng việc xưng tụng Ngọc Mai là coloratura soprano hàng đầu Việt Nam rất sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực tới âm nhạc, thẩm mỹ của khán giả.
Điều thứ hai, Ngọc Mai không phải giọng hát chuyên về cổ điển/thính phòng. Cô có thể hát được một vài aria cổ điển cơ bản như Ave Maria, Alleluia nhưng chưa thực sự chuẩn xác về kỹ thuật (đặc biệt về cộng hưởng âm thanh). Và gần như bất kỳ sinh viên Nhạc viện nào cũng đều phải hát những aria cổ điển đó để tốt nghiệp. Bà xã Quốc Nghiệp có thiên hướng hát những dòng nhạc dân ca, trữ tình hơn là nhạc cổ điển thính phòng. Vì vậy, việc xưng tụng Ngọc Mai là "tứ trụ nhạc thính phòng" là chưa hợp lý và gây phản cảm.
Vì vậy những danh xưng, lời ca tụng quá đà được gắn vào Ngọc Mai đã không phản ánh đúng thực lực giọng hát và tạo nên chiếc áo quá rộng với cô. Nhiều khán giả đặt kỳ vọng ở Ngọc Mai khi nghe thấy những danh xưng này, nhưng lại thất vọng vì cô không thể hiện đúng được như mong đợi, nên quay ngược lại chỉ trích cô. Song Ngọc Mai không có lỗi, cô cũng chỉ là nạn nhân của một bộ phận fan cuồng bất chấp đúng sai để nâng thần tượng mình lên, dẫn tới sự khập khiễng về năng lực.
Ngọc Mai vốn là một ca sĩ được đào tạo bài bản nên có kỹ thuật khá tốt. Tuy nhiên, kể từ khi bước ra khỏi Ca sĩ mặt nạ, cô liên tục có những màn live bị đánh giá là "thảm họa", khiến nhiều người phản cảm. Thế nhưng một ca sĩ dù giỏi giang và tài năng đến đâu cũng chỉ hát hay một vài dòng nhạc nhất định và họ phải đầu tư kỹ lưỡng cho nó. Ấy vậy mà Ngọc Mai lại bị những lời ca tụng quá đà che mắt mà ôm đồm quá nhiều dòng nhạc, nhạc gì cũng hát. Cô hát từ cổ điển/thính phòng tới Pop, Rock, R&B, Jazz, dân ca… và thậm chí là cả chầu văn.
Điển hình nhất, Ngọc Mai từng bị phản ứng dữ dội khi hát Cô Đôi Thượng Ngàn với thái độ thiếu nghiêm túc, sai lời, xử lý lạc lõng. Tiếp đó là các màn trình diễn Ngọn lửa cao nguyên (Rock), How could an angel break my heart (R&B) liên tục bị chê. Đây là một nguyên nhân lớn khiến cô bị khán giả quay lưng sau Ca sĩ mặt nạ.
Chưa dừng lại, làn sóng khiến nữ ca sĩ bị quay lưng là việc Ngọc Mai không chịu nhìn ra khuyết điểm của mình mà đặt cái tôi bản thân lên quá cao, bỏ qua đánh giá của khán giả. Cô tự nhận mình là người nghiên cứu âm nhạc kỹ lưỡng nên mắc cười trước những lời phê bình, góp ý.
Ngọc Mai tự cho rằng mình đi hát lâu năm, có kinh nghiệm nên không dễ bị lung lay trước ý kiến trái chiều như các nghệ sĩ trẻ. Thậm chí, cô còn tự nhận giọng hát của mình chuyên chở những năng lượng tinh tế mà chỉ người tinh tế mới cảm được. Cách ứng xử này bị đánh giá là kiêu ngạo, trịch thượng khiến hình ảnh của nữ ca sĩ tuột dốc nhanh chóng trong lòng khán giả.
Thực tế Ngọc Mai không phải là một ca sĩ thiếu thực lực, chuyên môn nhưng lại non nớt khi bước vào ánh hào quang. Nhiều người đưa ra lời khuyên cho Ngọc Mai nên tỉnh táo trước những lời ca tụng, khiêm tốn nhìn nhận bản thân từ đó lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và sáng tạo hơn. Thực tế khán giả Việt luôn bao dung với nghệ sĩ theo thời gian và cách họ thay đổi!
Ảnh: FBNV