Trước thời nhà Hán, cung nữ chủ yếu chọn nữ tù nhân từ bên bại trận làm nguồn chính. Sau thời nhà Hán, triều đình thống nhất chọn cung nữ từ những cô gái xuất thân từ gia đình tốt trong dân thường, từ 13 tuổi trở lên đến 20 tuổi.
Một khi các cô gái được chọn làm cung nữ, họ không được về nhà gặp gia đình mà phải sống cuộc sống trong cung cấm. Trong đó, chỉ có một số ít được hoàng đế sủng ái mới có thể phong làm thê thiếp, đại đa số cung nữ sống một mình trong cô độc. Hệ thống cung nữ tồn tại cho đến khi nhà Thanh sụp đổ và biến mất cùng với sự sụp đổ hoàn toàn của triều đại phong kiến.
Cung nữ thường tùy theo trách nhiệm và địa vị của mình được chia thành hai loại: một là những người quản lý công việc thường ngày của nhà vua trong cung, và những người có địa vị, chức vụ cao hơn được gọi là nữ quan; hai là những người phục vụ trong cung điện, những người hầu gái, thợ dệt, v.v., được sử dụng để lao động. Hệ thống cung nữ hoàn thiện và nghiêm ngặt nhất vào thời nhà Minh và nhà Thanh.
Nhà Minh và nhà Thanh là thời đại có những yêu cầu khắt khe nhất với cung nữ. Mặc dù hoàng đế nhà Minh Chu Nguyên Chương quy định chọn các bé gái vào cung phải trên 13 tuổi nhưng càng về sau, triều đình càng nới lỏng quy định định này, có những cô bé mới 10 tuổi cũng được chọn vào cung làm cung nữ.
Sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh, hệ thống cung nữ của nhà Thanh cũng được dựa trên nền móng nhà Minh, nhưng có những cải cách lớn về phạm vi và phương thức tuyển chọn, nghiêm ngặt hơn so với nhà Minh.
Vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, quy định "tuyển tú" không chỉ được sử dụng để giúp các hoàng tử trong hoàng thất chọn thê tử mà còn được dùng để chọn các cung nữ. Các cung nữ được chọn vào cung để phục vụ các phi tần, nếu không cẩn thận vì hành động sơ suất, họ có thể bị mất mạng.
Chính vì thế, để tránh làm mất lòng các chủ tử là hoàng hậu, hoàng quý phi, phi tần, các cung nữ đều hạn chế việc nói chuyện trong khi làm việc để đề phòng việc nói sai, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Thậm chí, việc nói chuyện trong giờ làm việc còn được coi là một đại kỵ. Ngoài ra, trong cung cấm có rất nhiều quy định dành cho các cung nữ và thái giám. Ngoài quy định về ăn uống, các cung nữ còn phải tuân thủ quy định khi đi ngủ.
Nhà sử học Trung Quốc Kỷ Liên Hải cho biết, Hà Vinh Nhi - người từng làm cung nữ trong 8 năm ở hoàng cung, chuyên phục vụ Từ Hi Thái hậu từng đề cập đến các quy định trong cung điện trong cuốn sách "Cung nữ đàm vãng lục" do bà viết. Trong sách, Hà Vinh Nhi cho biết, các cung nữ có tư thế ngủ rất đặc biệt đó là khi ngủ họ không được nằm ngửa mà phải nằm nghiêng, co hai chân lại với nhau.
Việc các cung nữ phải nằm nghiêng khi ngủ chỉ là một trong những quy định nghiêm ngặt.
Những cung nữ trong thời phong kiến khi ngủ phải nằm nghiêng, một tay đặt bên hông, tay kia duỗi thẳng. Các cung nữ không được phép nằm ngửa mặt như thông thường. Nếu không tuân theo quy tắc này, họ sẽ bị các hoạn quan và cung nữ cao cấp hơn đanh đập và trừng phạt. Theo 163, có ba lý do triều đình đưa ra quy tắc này cho các cung nữ.
Thứ nhất, triều đại phong kiến coi hoàng đế là thiên tử. Điều quan trọng là những người mê tín cho rằng tư thế ngủ không đúng sẽ thu hút tà khí. Để xua đuổi tà ma, các cung nữ bắt buộc phải ngủ nghiêng, tay để ra sao phải tuân theo quy định.
Thứ hai, điều kiện chỗ ở của những người hầu như cung nữ rất khiêm tốn. Rất nhiều cung nữ ngủ chung giường, diện tích mỗi người rất nhỏ, nếu mọi người nằm nghiêng, tư thế sẽ đồng đều hơn, thứ hai là có thể giảm diện tích chiếm dụng của giường để mọi người có thể ngủ thoải mái, không chiếm quá nhiều diện tích.
Thứ ba, cung nữ có rất nhiều quy tắc, nằm nghiêng chỉ là một trong những quy tắc trên. Nói chính xác hơn là hoàng tộc không muốn để các cung nữ được ngủ thoải mái, bắt buộc họ phải ghi nhớ thân phận và trách nhiệm công việc của mình. Việc nằm nghiêng cũng được là cho tiện lợi để cung nữ thức dậy làm việc. Cung nữ trong mắt cung nhân là nô lệ, nếu làm sai có thể bị đánh chết.