Trong thời phong kiến cổ đại, đàn ông năm thê bảy thiếp được coi là chuyện thường tình và rất hiển nhiên. Không những thế, đàn ông cũng có địa vị cao hơn phụ nữ, là người có tiếng nói trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong gia đình các quan lại quý tộc, đàn ông chỉ có một vợ và được phép có nhiều tiểu thiếp. Vợ được coi là chính thê có cưới hỏi đàng hoàng và nắm quyền quản lý trong gia đình. Trong khi đó, các tiểu thiếp dù có được người đàn ông sủng ái tới cỡ nào cũng phải chịu lép vế trước chính thê.
Nhiều người tò mò rằng sau khi chính thê qua đời, một trong các tiểu thiếp được sủng ái liệu có thể được "thượng vị" lên làm chính thất hay không. Câu trả lời chính là không. Tiểu thiếp được coi là vợ lẽ, thường có xuất thân thấp kém, không có địa vị, tiếng nói trong gia đình. Đó là chưa kể những người làm tiểu thiếp thường bị người khác khinh thường, chê bai. Người đàn ông dù có yêu thương, cưng chiều vợ lẽ đến mấy cũng không dám "đôn" họ lên làm chính thất vì sẽ bị người trong gia tộc, dòng tộc phản đối, bị xã hội chỉ trích, mất đi sự tôn nghiêm vốn có.
Giáo sư Vu Canh Triết - hiện công tác tại viện Văn hóa và Lịch sử trực thuộc Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Trung Quốc cho biết, địa vị của tiểu thiếp và chính thê thời cổ đại hoàn toàn khác biệt. Thông thường, chính thê là người có xuất thân trong gia đình tôn quý, danh giá.
Những người phụ nữ này được coi là tiểu thư trong nhà quan lại, quý tộc giàu có, từ nhỏ đã được học hỏi về lễ nghĩa, công dung ngôn hạnh, giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Ngay từ nhỏ, những tiểu thư này đã được định sẵn gả cho con cái quan lại hoặc quý tộc cùng tầng lớp và nghiễm nhiên là chính thê.
Trong khi đó, những tiểu thiếp thường có thân phận, địa vị thấp kém hơn chính thế. Một số còn có xuất thân ca kĩ, chỉ dựa vào nhan sắc để được sủng ái. Do đó, con cái của tiểu thiếp khi sinh ra cũng bị phân biệt đối xử thậm tệ. Ngược lại, con cái đặc biệt là con trai do chính thê sinh ra mới đủ tư cách được coi là đích tử. Điều này cũng thường thấy trên các dòng phim cổ trang của Trung Quốc.
Theo truyền thống, nếu chính thê qua đời, tiểu thiếp không thể thượng vị lên làm chính thất. Khi đó, người đàn ông buộc phải lấy vợ mới. Lẽ dĩ nhiên, người vợ kế tiếp cũng phải có xuất thân nhà gia giáo. Theo giáo sư Vu, vào thời nhà Đường có một người đàn ông vì quá yêu tiểu thiếp nên sau khi chính thất qua đời, người này muốn "thăng" bậc cho tiểu thiếp của mình. Tuy nhiên, người này vấp phải sự phản đối của dòng họ, gia tộc và cả xã hội.
Trương Quốc Cương - giáo sư lịch sử tại Đại học Thanh Hoa cho biết thêm, pháp luật thời nhà Đường có một quy định rất rõ ràng, đó là thiếp nhất định không được phép thăng vị thành thê tử chính thức. Trong xã hội phong kiến, thê tử không chỉ có địa vị, quyền lực mà còn được giao quyền quản lý tất cả mọi việc trong gia đình.
Đó là chưa kể đến việc những gia tộc lớn có mối liên hệ mật thiết về chính trị, nắm quyền binh trong thiên hạ. Những gia tộc này, thê tử là người có xuất thân từ gia đình quyền quý, có địa vị trong thiên hạ. Do đó, nếu người đàn ông trong gia đình có hành động thiếu tôn trọng hay sủng ái tiểu thiếp hơn chính thê đều phải nhận kết cục như quyền lực suy giảm, không có địa vị trong xã hội do thế lực của gia đình chính thê quá lớn mạnh.
Trong lịch sử phong kiến cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp bị lép vế trước thế lực hay gia tộc của đằng ngoại quá lớn mạnh. Thậm chí, một số nhà vua còn hạn chế sự ảnh hưởng của các thế lực bên đằng vợ đặc biệt là Hoàng hậu.