Việc Tổng thống Mỹ Obama từ chối gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được đánh giá là một tín hiệu xấu trong mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Theo Wall Street Journal, Tổng thống Obama đã từ chối lời đề nghị gặp riêng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong khuôn khổ chuyến thăm sắp tới của ông này tới Mỹ.
Ông Erdogan dự định sẽ gặp Obama trong thời gian tham dự lễ Khai trương một Nhà thờ Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ xây dựng tại bang Maryland (Mỹ). Tuy nhiên, trả lời trước truyền thông ông Obama khẳng định, một cuộc họp riêng giữa hai nhà lãnh đạo là không cần thiết.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Khaldun Solmaztyurk, cựu giám đốc Phòng an ninh quốc tế thuộc Bộ tổng tham mưu lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay là phó chủ tịch Liên đoàn sĩ quan dự bị của NATO (CIOR), một trong những nguyên nhân khiến ông Obama từ chối gặp Erdogan là vì ông này hiện đang phải đối mặt rất nghiêm trọng với các đối thủ chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ Obama đã từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Intenet |
"Ngày càng có nhiều người bất mãn đối với Chính sách của Tổng thống. Và ông ta tìm cách tăng cường vị thế của mình trước các đối thủ, cố gắng tạo ra ấn tượng rằng vẫn tranh thủ được sự hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Vấn đề phức tạp là ở chỗ, trên thực tế ông ta không thể làm được việc đó".
Ông Solmaztyurk cũng nhận định, phương Tây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các nguyên tắc dân chủ một cách có hệ thống, chống tham nhũng và hối lộ chưa đúng mức, hạn chế tự do ngôn luận.
"Và điều này là đúng thực tế. Do đó, ông Erdogan sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình trong nước. Tôi nghĩ rằng lần này ông ta không thể tránh khỏi áp lực nghiêm trọng từ phía phương Tây", ông Solmaztyurk nói.
Chuyến đi tới Washington của ông Erdogan diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ ngày càng gia tăng và triển vọng chính trị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang suy giảm nghiêm trọng.
Căng thẳng giữa Washington và Ankara xuất phát từ việc Mỹ thể hiện lập trường ủng hộ lực lượng người Kurd Syria đang chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi người Kurd là lực lượng khủng bố và tiến hành pháo kích vào các căn cứ của họ.
Bên cạnh đó, Washington mặc dù vẫn khẳng định Ankara "là đồng minh quan trọng trong khối NATO" nhưng lại đề nghị nước này ngừng tấn công vào các phe nhóm chiến đấu chống lại quân khủng bố.
Lê Huyền (tổng hợp)