Với những ai đam mê phim cổ trang Trung Quốc đặc biệt là dòng phim cổ trang thời nhà Thanh chắc hẳn không xa lạ gì với loại giày cao lênh khênh mà hoàng hậu, phi tần của hoàng đế hay các cách cách thường đi. Loại giày này chỉ có ở Thanh triều, các triều đại trước như Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên hay Minh, phụ nữ đều không sử dụng.
Được biết, loại giày này có tên gọi giày “hoa bồn” còn được gọi là “kỳ hài” hay “giày cao gót”. Loại giày này có thiết kế như bồn hoa nên được gọi là giày hoa bồn. Đế gỗ có thể cao từ 5-10cm, có đôi còn cao tới 14-16cm, và cao nhất là 25cm. Phần gót thường được bọc trong lớp vải trắng và gắn ở phần giữa của giày. Do đó, loại giày này rất khó di chuyển và phải có sự hỗ trợ của các cung nữ.
Ai cũng biết, ở thời phong kiến Trung Quốc, phụ nữ thường có tục bó chân để có bàn chân nhỏ như gót sen. Tuy nhiên, phụ nữ Mãn Châu thời nhà Thanh lại không có tập tục này khi hoàng đế hạ lệnh cấm bó chân. Thay vào đó, những giày hoa bồn ra đời và được phụ nữ quý tộc nhà Thanh rất ưa chuộng dù chúng cao lênh khênh và rất khó đi lại.
Dù đôi giày có thiết kế độc lạ, rất khó đi lại, di chuyển và cao lênh khênh nhưng các phi tần nhà Thanh lại rất thích mang. Theo Sohu, có ba nguyên nhân chính khiến giày hoa bồn được yêu thích. Đó là việc đi giày hoa bồn giúp giải quyết vấn đề bàn chân to của phụ nữ thời nhà Thanh, thứ hai, việc di chuyển trên đôi giày cao lênh khênh giúp bước đi của họ được uyển chuyển, trang nghiêm hơn dù khá khó đi và cuối cùng, lý do quan trọng nhất chính là đi giày hoa bồn thể hiện được địa vị của phi tần trong cung cấm.
Theo báo cáo trên tạp chí Lịch sử nhân văn quốc gia của Trung Quốc, trước khi người Mãn Châu thành lập ra nhà Thanh, phụ nữ người Hán có tục bó chân để có bàn chân nhỏ nhắn như "ba tấc kim liên". Thời xưa, phụ nữ chân nhỏ được hiểu là con cái những nhà quyền quý, là tiểu thư đài các. Tuy nhiên, phụ nữ Mãn Châu không có tập tục bó chân như người Hán. Dù không bó chân nhưng phụ nữ thời nhà Thanh cũng thừa nhận chân to là thô kệch và xấu xí. Việc tôn thờ bàn chân nhỏ nhắn như "gót sen ba tấc" cũng được phụ nữ ưa chuộng. Trong khi đó, hoàng đế nhà Thanh không bác bỏ văn hóa người Hán nhưng vẫn ra lệnh cấm phụ nữ bó chân. Lúc này, việc phát minh ra giày hoa bồn đã giải quyết được vấn đề chân to của phụ nữ quý tộc nhà Thanh.
Lý Ngư - một học giả đầu thời nhà Thanh đã viết trong cuốn "Nhàn tình ngẫu kí" như sau: "Giày hoa bồn giúp dáng người trông thanh mảnh, gầy gò hơn và là cách để người có bàn chân to che giấu sự vụng về của chính mình". Khi đi giày hoa bồn cao lênh khênh kết hợp với tà áo dài đến mắt cá chân, khi đứng lên, phụ nữ sẽ có cảm giác bàn chân trông nhỏ hơn. Chính vì thế, giày hoa bồn ngày càng được phụ nữ quý tộc ưa chuộng. Từ Hi Thái Hậu là một trong những người rất thích giày hoa bồn. Do có bàn chân to nên Từ Hi Thái Hậu thường mang đôi giày này. Những thời điểm quan trọng như chụp hình, Từ Hi Thái hậu chỉ để lộ phần giày hoa bồn, đôi chân to bị giấu kín hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc đi trên một đôi giày cao lênh khênh như giày hoa bồn rất bất tiện đối với phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ quý tộc thời nhà Thanh lại đặc biệt ưa chuộng mẫu giày này. Theo Sohu, xự xuất hiện của loại giày hoa bồn giúp điều chỉnh tỷ lệ cơ thể phụ nữ, khiến họ trông mảnh mai và có vóc dáng đẹp hơn. Do giày đế cao sẽ rất khó đi, nhưng cũng nhờ đó mà giúp các phi tần trông trang nghiêm hơn khi bắt buộc phải đi chậm rãi, dáng đi trông có uy quyền hơn.
Đồng thời, vì giày đế cao rất khó mang nên những người bình thường chưa luyện tập bài bản và phải làm việc hàng ngày không thể đi được. Loại giày này không dành cho những phụ nữ làm nông nghèo mà chỉ phổ biến trong hoàng cung hay được phụ nữ hoàng tộc, quan lại ưa chuộng. Đối với các phi tần, phụ nữ quý tộc họ rất coi trọng địa vị thông qua đôi giày hoa bồn. Để thể hiện rõ hơn địa vị của mình, một số người sẽ thêm nhiều đồ trang trí khác nhau vào đế giày của họ. Ví dụ, Từ Hi Thái hậu có một đôi giày đế cao được dát kèm theo ngọc trai, đá quý, ngọc bích và các đồ trang sức quý giá khác. Những chiếc giày của Từ Hi cũng đủ thể hiện phần nào cuộc sống xa hoa, phú quý của bà.