Tối 15/9, Trung Quốc đã phóng trạm vũ trụ Thiên Cung 2 (Tiangong 2) vào quỹ đạo Trái đất.
[mecloud]rXDig1KGla[/mecloud]
BBC đưa tin phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 khởi hành từ sa mạc Gobi, Mông Cổ vào khoảng 22h tối 15/9 (giờ địa phương). Tháng tới, hai phi hành gia sẽ lên đến trạm và tiến hành nghiên cứu.
Còn theo CNN, trạm vũ trụ này do tên lửa Long March 2F phóng đi từ trung tâm Phóng vệ tinh Jiuquan. Trạm Thiên Cung 1 đã được phóng lên vũ trụ từ năm 2011.
Thiên Cung 2 là mô hình thí nghiệm và trải nghiệm không gian, tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người mà Bắc Kinh muốn bay vòng quanh thế giới từ năm 2022.
Thiên Cung 2 dài 15 m, có hai khoang, một khoang dành cho các phi hành gia và có khu vực thí nghiệm, khoang còn lại để chứa dụng cụ.
Nếu vụ phóng tối qua thành công, tháng sau, 2 phi hành gia sẽ được tàu Thần Châu-11 đưa lên đây. Tại đó, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về liên lạc lượng tử, bức xạ tia gamma, thủy động lực học và sự phát triển của thực vật trong không gian. Nhiệm vụ sẽ kéo dài 1 tháng, dài hơn so với khoảng thời gian ở trên Thiên Cung 1.
Hãng Tân Hoa xã đưa tin trạm không gian này đã mang theo một đồng hồ nguyên tử, chỉ chậm một giây trong 30 triệu năm. Điều này dự kiến sẽ giúp bản đồ di động trong tương lai chính xác hơn.
Trung Quốc đang ưu tiên đẩy mạnh chương trình không gian. Năm 2011, họ đưa trạm Thiên Cung 1 lên quỹ đạo trái đất và dự báo sẽ trở lại vào khoảng 6 tháng cuối năm 2017.
Thiên Cung 3 là bước cuối cùng trong hành trình tiến đến trạm vũ trụ có người điều khiển của Trung Quốc. Bắc Kinh còn có tham vọng đưa người lên mặt trăng vào năm 2024 và đưa người lên sao Hỏa vào khoảng năm 2050.
Bảo Linh (BBC)