Bảng xếp hạng do viện Lowy công bố ngày hôm nay không bao gồm Trung Quốc, nơi ca Covid-19 đầu tiên được xác định vào tháng 12/2019 do thiếu dữ liệu công khai. Các nước khác nằm trong top 10 là Thái Lan, Síp, Rwanda, Iceland, Australia, Latvia và Sri Lanka. Những nước này có ít ca nhiễm và tử vong hơn, xét cả về tổng số lẫn bình quân đầu người.
Tổng cộng 98 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong 36 tuần sau khi ca Covid-19 thứ 100 của họ được xác nhận. Các dữ liệu được sử dụng có sẵn đến ngày 9/1/2021. Viện Lowy thống kê số ca nhiễm được xác nhận, số ca được xác nhận trên một triệu người, số ca tử vong được xác nhận, số ca tử vong được xác nhận trên một triệu người, số ca được xác nhận theo tỷ lệ xét nghiệm và số xét nghiệm trên một nghìn người trong khoảng thời gian 14 ngày để đưa ra đánh giá. Báo cáo này được đưa ra khi số ca Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 100 triệu, tổng số ca tử vong thì vượt 2 triệu.
Mỹ với hơn 25 triệu ca Covid-19 được xác nhận đứng thứ 94 còn Ấn Độ với hơn 11 triệu ca nhiễm đứng thứ 86. Anh, quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu đứng thứ 66 trong bảng xếp hạng. Nước có hiệu suất chống dịch tệ nhất trong bảng xếp hạng là Brazil.
Chỉ số cho thấy các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương thành công nhất trong việc ngăn chặn đại dịch. Trong khi châu Âu và Mỹ "nhanh chóng bị choáng ngợp" trước tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19.
"Mức độ phát triển kinh tế hoặc sự khác nhau trong hệ thống chính trị giữa các quốc gia ít ảnh hưởng đến kết quả hơn những gì được giả định hoặc công khai", viện Lowy phân tích. "Nhìn chung, các quốc gia có dân số nhỏ hơn, xã hội gắn kết và các thể chế có năng lực thì có lợi thế so sánh trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch".
Việt Nam, quốc gia đã ngăn chặn thành công Covid-19 nhờ xét nghiệm có mục tiêu và kiểm dịch tập trung đã báo cáo ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 55 ngày.