Theo Zingnews và Phụ Nữ Việt Nam, theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức, Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số "tự nhiên" là 105 bé trai trên 100 bé gái.
Hàng năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em gái bị thiếu hụt do việc lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó 90% là ở Trung Quốc (666.300), Ấn Độ (461.500) và Việt Nam (40.800).
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững.
"Chúng tôi đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này. Tuy vậy, những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều. Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 mà chúng tôi đang xây dựng", ông Tiến phát biểu.
Tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ nhưng việc lựa chọn giới trên cơ sở định kiến giới vẫn đang diễn ra dai dẳng, bao gồm việc bỏ thai nhi khi xác định là con gái và nuôi cấy phôi hay lọc tinh trùng để lựa chọn giới tính.