Qua điều tra xác minh của Phòng PA72 (Công an TP HCM), ông Afolayan Caleb – người được bà Phạm Thị Ngọt tự nhận làm chồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Vậy số phận của số tiền 5 triệu Yên kia sẽ đi về đâu? Bao giờ sẽ được định đoạt? Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Cần làm rõ nguồn gốc số tiền này
Thông tin mới đây cho thấy, ông Afolayan Caleb - người mà bà Phạm Thị Ngọt tự nhận làm chồng, người mà bà cho rằng là chủ nhân của 5 triệu Yên để quên trong thùng loa cũ đã nhập cảnh vào Việt Nam năm 2010, được Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (trụ sở số 289 đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12) thuê làm giáo viên.
Sau đó ông Afolayan Caleb được Sở LĐTB&XH TP.HCM cấp giấy phép lao động có thời hạn, từ 14/6/2010 – 14/6/2013. Từ giấy tờ của các cơ quan nói trên, ông Afolayan Caleb mang đến phòng PA72 làm việc và được cấp thẻ tạm trú có thời hạn đúng bằng thời hạn thể hiện trên giấy phép lao động.
Được biết, định kỳ phòng PA72 cử cán bộ đi xác minh về các trường hợp người nước ngoài mà đơn vị này cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những người gốc Phi. Bởi, trong nhiều năm qua, không ít những người gốc Phi nhập cảnh vào Việt Nam có những hành vi phạm pháp. Giai đoạn bấy giờ, cái tên Afolayan Caleb, cũng nằm trong diện mà cán bộ phúc tra.
Tại trụ sở công ty Úc Đại Lợi như trong giấy tờ thể hiện, cán bộ công an xác định đây là công ty không có thật. Cụ thể tại địa chỉ trên, từ trước đến nay không có công ty nào tên Úc Đại Lợi. Còn người đứng tên đại diện pháp luật của công ty, là ông T.Q.M, cán bộ xác minh tại nơi đăng ký cư trú thì cũng không tìm được.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội (Nguồn: VP Luật sư Chính Pháp). |
“Bà Ngọt và ông Afolayan Caleb chưa thực hiện các thủ tục ghi chú hôn nhân theo quy định nên chưa thể xem là vợ chồng theo pháp luật Việt Nam”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Với thông tin mới nêu trên thì có thể cho thấy, việc xuất nhập cảnh vào Việt Nam và tham gia lao động tại Việt Nam của ông Afolayan Caleb có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực lao động và xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, Luật sư Cường cũng lưu ý rằng, đây không phải là căn cứ để xác định số tiền 5 triệu yên không phải là của ông Afolayan Caleb. Việc ông Afolayan Caleb đến làm việc tại Việt Nam trong một khoảng thời gian là có thật vì vậy cũng có khả năng số tiền 5 triệu yên nêu trên là của ông Afolayan Caleb. Và ông Afolayan Caleb có trách nhiệm phải chứng minh điều này nếu muốn nhận số tiền đó là của mình. Trường hợp ông Afolayan Caleb chứng minh được nguồn gốc số tiền này là của mình thì cũng cần xem thêm tính pháp lý của số tiền này.
Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi năm 2013 quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; bổ sung quy định đối với việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài và quy định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác (bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ…) liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Việc niêm yết, quảng cảo, giao dịch, thanh toán bằng ngoại hối (trong đó có tiền yên, ngoại tệ) bị pháp luật quy định cấm, trừ các trường hợp được pháp luật cho phép...
Vì vậy, nếu ông Afolayan Caleb chứng minh được số tiền yên trên là của mình thì cũng phải chứng minh được tính hợp pháp của nó. Nếu số tiền trên là do phạm tội mà có hoặc vi phạm quy định về hành chính thì vẫn có thể bị xử phạt, bị thu hồi xung công quỹ nhà nước. Trong trường hợp này thì chị Hồng chỉ có thể được một phần tiền thưởng chứ không được hưởng quyền lợi là 10 tháng lương tối thiểu + 50% phần giá trị vượt quá 10 tháng lương như quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sự năm 2005 về nhặt được tài sản do bỏ quên, đánh rơi.
Đường đến với “lộc trời” cách chị Hồng bao xa?
Nếu công an quận Tân Bình có căn cứ rõ ràng xác định số tiền trên không phải là của ông Afolayan Caleb thì mới có thể căn cứ vào quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sư để chia một phần giá trị cho chị Hồng.
Số phận của số tiền 5 triệu yên hiện vẫn là một dấu hỏi lớn cần sớm được các cơ quan chức năng giải quyết (Nguồn: IT). |
Giá thiết chỉ xác định được việc lao động, cư trú của ông Afolayan Caleb là bất hợp pháp nhưng chưa xác định được số tiền đó có hợp pháp hay không thì cũng chưa có căn cứ giải quyết vụ việc. Cơ quan công an sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo nguyên tắc sau đây:
Nếu số tiền đó là do phạm tội mà có thì phải tịch thu, xung công quỹ nhà nước. Nếu số tiền đó là thu nhập bất hợp pháp thì cũng có thể bị xử phạt và thu hồi theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp số tiền đó mang vào Việt Nam không khai báo thì người mang số tiền đó qua biên giới (có thể là ông Afolayan Caleb), mang vào Việt Nam sẽ bị cơ quan công an xử lý hình sự về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới” theo quy định điều 154 Bộ luật Hình sự.
“Trong trường hợp này, số tiền này cũng sẽ bị tịch thu, xung công quỹ. Khi đó chị Hồng sẽ không được hưởng lợi về số tiền này theo quy định của Bộ luật dân sự mà chỉ có thể được xét thưởng do trung thực”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Nếu bà Ngọt không đăng ký kết hôn với ông Afolayan Caleb thì không được công nhận là vợ chồng. Nhưng bà Ngọt cũng có thể nhận ủy quyền của ông Afolayan Caleb để tham gia giải quyết vụ việc trên theo quy định của pháp luật. Với thông tin hiện có thì Công an quận Tân Bình sẽ tiếp tục làm rõ để thu hồi số tiền trên, xử lý hình sự với đối tượng phạm pháp hoặc giao một phần giá trị số tiền đó cho chị Hồng theo quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sự như đã phân tích ở trên.
Như vậy có thể thấy, con đường để chị Hồng lượm ve chai đến với “lộc trời cho” này cũng còn lắm gian nan...
Nhật Minh