Tối 18/8, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, các đơn vị chức năng vừa giải cứu thành công một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong khe tường giữa 2 ngôi nhà.
Sự việc xảy ra vào khoảng 17h50 cùng ngày, người dân phát hiện một cháu bé bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.
Ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu cháu bé. Do khe tường quá hẹp, chỉ rộng hơn 10 cm, lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài với nỗ lực bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu.
Sau 2 ngày vào cuộc xác minh, ngày 21/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), đã xác định được mẹ của bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa khe tường hẹp tại thị trấn Trâu Quỳ tên N.K.H. (20 tuổi, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) hiện đang là sinh viên học năm thứ 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Qua lời khai ban đầu, H. cho biết vứt con sau khi sinh vì có thai ngoài ý muốn, do tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình.
Hành vi nhẫn tâm vứt bỏ con đẻ vừa chào đời xuống khe tường nhà của người mẹ đang bị dư luận lên án. Nhiều ý kiến cho rằng, người mẹ sinh con ra không nuôi được có thể đưa lên chùa hoặc cho ai đó nuôi dưỡng, việc vứt bỏ con cần phải bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị thích đáng.
Chia sẻ với Pháp luật & Bạn đọc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình, nhất là khi vừa sinh ra.
Mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
Hành vi của người phụ nữ vứt bỏ rơi con vừa sinh ra tại khe 2 hai bức tường nhà trọ không những là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lỗi của người phụ nữ trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Nếu cháu bé bị tử vong thì người phụ nữ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vứt con mới đẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 BLHS”.
Tuy nhiên, hiện cháu bé đã được phát hiện và đưa đi cấp cứu nên cháu bé đã may mắn được cứu sống. Như vậy, hành vi của người phụ nữ tuy là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm hình sự.
Hành vi vi phạm pháp luật này của người phụ nữ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.
Cũng có cùng quan điểm về mức phạt trên luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định trên Báo Giao Thông cho rằng ở trường hợp này, như báo chí phản ánh, cháu bé đã được đưa đi cấp cứu và tính mạng đã được đảm bảo thì người vứt bỏ cháu bé sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Cụ thể, người mẹ sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng vì đã bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh.