Liên quan vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, các chuyên gia cho biết vào 25 giây cuối cùng, chiếc phi cơ đã bị vỡ làm đôi, vọt lên rồi lao xuống với tốc độ khủng khiếp còn hành khách bị hút ra ngoài qua một lỗ thủng ở phía sau.
Theo dữ liệu chuyến bay do trang FlightRadar24 ghi nhận, toàn bộ sự cố diễn ra trong vòng 25 giây, và số phận của chiếc A321 bị kết thúc vô cùng chóng vánh.
Theo quan sát các mảnh vỡ từ hiện trường, giới chuyên gia nhận định rằng chiếc máy bay bị gãy làm đôi khi đang ở độ cao 9.500 m, phần đuôi và thân máy bay tách rời, rơi cách nhau 4,8 km.
Hiện trường máy bay Nga rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng. Ảnh: AP. |
Ngay sau khi phần đuôi gãy rời, phần mũi máy bay ngóc lên cao ất nhanh do mất đối trọng từ bộ phận cân bằng ở đuôi máy bay.
Chiếc máy bay xấu số vọt lên độ cao hơn 10.000 m trong 3 giây rồi sau đó khựng lại và rơi xuống. Đến độ cao khoảng 8.900 mét, động cơ vẫn đang hoạt động ở cánh máy bay sẽ tiếp tục giúp máy bay vọt lên lần cuối cùng trước khi mất toàn bộ sức nâng.
Trong 10 giây cuối cùng, từ độ cao 9.500 mét, chiếc Airbus lao xuống với vận tốc cực lớn so với mặt đất. Việc mất áp suất đột ngột khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn bất tỉnh gần như ngay lập tức.
Lúc này, những du khách vẫn còn bị kẹt trong ghế ngồi của họ bị hút ra khỏi chiếc Airbus A321 qua một lỗ thủng ở phía sau do phần thân và đuôi đã bị gãy làm đôi. 224 hành khách và phi hành đoàn mãi mãi không đến được nơi dự kiến là St. Petersburg.
Các binh sĩ Ai Cập đang thu thập hành lý của những nạn nhân xấu số. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia hàng không cho biết, máy bay thương mại thường bay hành trình ở độ cao 9.000 - 10.000 mét, nơi không khí rất loãng và tạo ra lực cản ít, để phi cơ có thể bay nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Ở độ cao này, áp suất không khí bên ngoài rất thấp, buộc máy bay phải tăng áp suất trong khoang lên mức tối đa để cân bằng.
Trong trường hợp thân máy bay gặp một sự cố nào đó khiến vỏ hoặc vách ngăn áp suất bị nứt, thủng, không khí nén bên trong khoang sẽ phụt ra ngoài trong khoảnh khắc, giống như một quả bóng bay bị chọc thủng đột ngột, và tạo thành một "vụ nổ sạch" với sức công phá vô cùng ghê gớm.
Các quan chức Mỹ khẳng định, một vệ tinh hồng ngoại của họ đã phát hiện ánh chớp lửa trên tuyến đường bay của chiếc Airbus chỉ vài giấy trước khi máy bay rơi. Điều này củng cố giả thuyết rằng đã có một vụ nổ xảy ra trên khoang.
Các chuyên gia hành không cho rằng, dữ liệu vệ tinh của Mỹ đã mở ra giả thuyết rằng khả năng có một quả bom trên máy bay, hoặc một vụ nổ nhiên liệu, hoặc lỗi kỹ thuật khiến máy bay bị phá hủy.
Những phân tích ban đầu từ hộp đen máy bay gặp nạn cho thấy máy bay không chịu lực tác động bên ngoài và phi công cũng không phát tín hiệu cầu cứu. Ảnh: AP. |
Alexander Smirnov, Phó Tổng giám đốc của hãng hàng không Metrojet nói rằng ông loại trừ khả năng lỗi kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.
"Lời giải thích duy nhất là máy bay có thể đã chịu một lực tác động từ bên ngoài".
Ông từ chối nói về loại tác động bên ngoài nào đã gây ra tai nạn nhưng khẳng định chiếc Airbus được đảm bảo an toàn, thậm chí ngay cả khi phi công có phạm một lỗi nghiêm trọng nào đó thì hệ thống tự động của máy bay sẽ điều chỉnh để "sửa sai" ngay lập tức.
Ông Smirnov cũng nói rằng các phi công đã không phát tín hiệu khẩn cấp nào trước vụ tai nạn, trái với tuyên bố trước đó của một quan chức Ai Cập rằng phi công thông báo qua radio về việc muốn hạ cánh xuống sân bay gần nhất do nghi ngờ có vấn đề về kỹ thuật.
Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn từ ủy ban đang phụ trách việc phân tích hộp đen của máy bay hãng Metrojet sau khi kiểm tra sơ bộ cho biết, chiếc phi cơ không chịu tác động từ bên ngoài.
Lê Huyền (Daily Mail)