Trường hợp một nam sinh lớp 10 THPT ở TP.HCM gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường do áp lực học hành, khiến người ta vẫn chưa thôi bàng hoàng. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đang âm thầm tự giết con mình.
Mới đây, xung quanh câu chuyện về một học sinh THPT Nguyễn Khuyến gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường tự tử do áp lực học tập, chị Thu Hà một nhà báo hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM chia sẻ trong bài viết xoay quanh câu chuyện về áp lực học hành đang đè nặng lên vai con trẻ.
Quan điểm xoay quanh chuyện áp lực học hành với con trẻ của nhà báo Thu Hà nhận được nhiều sự quan tâm.
Nội dung bài viết:
"Mấy ngày nay có một chuyện khủng khiếp xảy ra mà em cứ buồn và suy nghĩ mãi. Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, hai con đều đẹp trai, học giỏi, ngoan ngoãn. Thế rồi bi kịch xảy ra.
Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé bị điểm 3 môn Anh Văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học.
Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà trưa thứ 2 tuần rồi bé đã nhảy từ lầu 5 xuống và không qua khỏi..."
Tôi vừa nhận được tin nhắn này chiều qua. Đọc mà muốn điên lên.
Con cần sống, hơn là cần điềm 10. Con cần sống, trước khi cần thành đạt !
Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con?
Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong Chính Mình?
Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình?
Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã!
Với chính mình, với con, chúng ta còn dùng ngoại ngữ, nên thậm chí tiếng kêu cứu, mà người mình yêu nhất, ở ngay cạnh cũng không nghe được.
Tôi đã từng trải qua cảm giác mất người bạn thân vì trầm cảm. Tôi biết, hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, cảm xúc có thể giết chết con cái và chính chúng ta nhanh nhất.
Thế nhưng nó ko chụp chiếu X quang, hay chụp CT được. Nó không lở loét, không chảy máu, chảy mủ. Nó không sốt, không ho. Nó hơn tất cả những triệu chứng đó, vì nó hủy hoại bên trong một cách thầm lặng.
Cầu mong câu chuyện của bé có thể cảnh báo nhiều gia đình khác, cứu được nhiều em bé khác mà tôi biết vẫn đang sống trong áp lực.
Nhiều ba mẹ đã trao cho điểm số cái quyền lực quá lớn, nhiều ba mẹ làm cho con mình hiểu rằng điểm kém sẽ hủy hoại cả cuộc đời con. Nhiều gia đình không vứt nổi những nặng nề ngoài bậu cửa.
Điểm số là cái đinh gỉ gì đâu.
Tổ tiên chúng ta, triệu triệu năm trước không có điểm số vẫn tiến hóa được lên làm người là gì? Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy?
Bạn không thể học giỏi trong một lần, không thể thành chuyên gia trong một lần. Vậy tại sao không cho con được quyền thất bại nhiều lần? Tại sao nhìn chuyện thất bại như kẻ thù bên kia chiến tuyến?
Cùng lắm, nếu con không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, con có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu con không hiểu tiếng nói bên trong cơ thể mình, nếu con đánh mất niềm vui sống là mất rất rất lớn!
Học để sống, nhớ nha con".
Trước đó, sáng 10/4, em H.T.C. - học sinh lớp 10 của trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) đã gieo mình từ mái tôn lầu 4 của dãy lớp học xuống sân trường tự tử.
Trong lá thư tuyệt mệnh kẹp lại trong vở, dường như nguyên nhân là vì C quá áp lực trong học tập, điểm số, cũng như việc không thể đáp ứng nổi kỳ vọng của gia đình.
Đây thực chất chỉ là một trong số rất nhiều vụ học sinh tự tử cả trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, số lượng học sinh - sinh viên tự tử đang tăng lên theo từng năm, và đó đều là những con số đáng báo động.
Theo một nghiên cứu từ Bộ Nội vụ Ấn Độ thì chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 - 2017, có hơn 26.000 học sinh đã tự tử tại quốc gia này. Riêng năm 2016 có tới 9.473 em, tương đương mỗi 55 phút lại có một trường hợp xảy ra.
Tại Anh, một nghiên cứu từ năm 2011, chỉ trong vòng 2 thập kỷ, tỉ lệ tự tử tại đây đã tăng tới 170%. Khoảng giữa tháng 1/2014 - 4/2017, có khoảng 145 học sinh, sinh viên tự tử - theo thống kê của cục Khảo sát về tự tử và bệnh tâm thần (NCISH). Trong đó, 70% ở trong độ tuổi teen.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia có tỷ lệ học sinh tự tử ở mức cao. Như Nhật Bản, báo cáo của WHO năm 2015 cho thấy tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới tới 60%. Thậm chí có thời điểm, Nhật Bản ghi nhận tới 70 trường hợp tự tử mỗi ngày, trong đó có tỷ lệ không nhỏ là học sinh.
Đức Hoà (tổng hợp)