Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện tại có thể san phẳng hàng trăm thành phố và khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Triều Tiên và cuộc chạy đua hạt nhân
Những căng thẳng xoay quanh vũ khí hạt nhân lại tiếp tục dấy lên sau khi Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Động thái mới nhất này diễn ra giữa lúc mối quan ngại về khả năng của Triều Tiên buộc chính quyền mới của Mỹ phải lên tiếng đáp trả.
Trong khi Bình Nhưỡng tăng tần suất các vụ thử tên lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra lời đe dọa "không khoan nhượng" nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lời đáp trả này cũng ngầm ẩn cho một cuộc chạy đua hạt nhân trên toàn .
Trên lý thuyết, tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới hầu hết các quốc gia trên thế giới (Ảnh: Telegraph)
Hồi tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với các tướng lĩnh rằng, phát triển vũ khí hạt nhân là mục tiêu chủ chốt trong năm 2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đáp trả ngay trên Twitter, "hứa hẹn" sẽ làm điều tương tự.
Những tuyên bố của các Tổng thống đã dẫn tới quan ngại về số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mặc dù các quốc gia đều giữ bí mật quân sự, đặc biệt về vấn đề hạt nhân, theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACC), có khoảng 15.000 đầu đạn đang được đặt tại các căn cứ quân sự trên toàn cầu.
Nga và Mỹ nắm giữ phần lớn lượng đầu đạn hạt nhân và khoảng 10.000 đầu đạn sẵn sàng được đưa vào sử dụng, trong khi số lượng còn lại đang chuẩn bị đem ra tháo dỡ.
Những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân
Theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân năm 1968, có năm quốc gia thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ. Hiệp ước này công nhận sự hợp pháp của các kho vũ khí hạt nhân nhưng năm nước nói trên không được phép sử dụng hoặc dự trữ chúng mãi mãi. Trên thực tế, cả năm nước đều cam kết sẽ dần loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, có bốn quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không kí vào Hiệp ước, đó là Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Theo ước tính, tổng số đầu đạn tại bốn quốc gia này là khoảng 340 đầu đạn.
Tới thời điểm hiện tại, Nga và Mỹ hiện đang nắm giữ nhiều vũ khí hạt nhân nhất – tổng số vũ khí hai quốc gia cộng lại chiếm tới 88% kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nếu tính cả những vũ khí đã ngừng sử dụng, tỉ lệ này lên tới 93%.
Sức mạnh của vũ khí hạt nhân là vô cùng ghê gớm. Khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân có đủ năng lượng để giết hàng triệu người và san phẳng hàng trăm thành phố.
Theo nghiên cứu của Telegraph, kho vũ khí của Nga và Mỹ cộng lại có thể sản sinh ra hơn 6.600 megaton năng lượng. Con số này bằng một phần mười lượng năng lượng Trái Đất nhận từ mặt trời mỗi phút.
Theo NukeMap, nếu thả B-83, quả bom hạt nhân lớn nhất của Mỹ hiện tại, sẽ có khoảng 1,4 triệu người thiệt mạng trong vòng 24 giờ đầu tiên, 3,7 triệu người khác sẽ bị thương và sóng nhiệt có thể xa tới 13 km.
Ước tính tương tự, bom Sa hoàng của Nga nếu được thả xuống New York, sẽ khiến 7,6 triệu người thiệt mạng và làm bị thương hơn 4,2 triệu người khác. Phóng xạ hạt nhân sẽ theo gió lan xa tới 7.880km xung quanh, ảnh hưởng hàng triệu cư dân các nước lân cận.
Kho vũ khí của cả Mỹ và Nga đều được kiểm soát bởi nhiều hiệp ước, yêu cầu chặt chẽ về số lượng, chủng loại đầu đạn cũng như hệ thống vận chuyển những vũ khí này.
Nếu một trong hai quốc gia tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân, như hai Tổng thống Trump và Putin đã phát biểu, quốc gia đó sẽ phá vỡ các thỏa thuận và một lần nữa đặt thế giới vào Chiến tranh Lạnh.