“Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn tình hình ổn định hiện nay của bán đảo Triều Tiên bị phá hủy”, việc tìm ra giải pháp “cứu nguy” giúp duy trì, bảo vệ tình hình ổn định của Triều Tiên như hiện nay là vô cùng quan trọng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm chính thức đến Nga từ ngày 10/3. Trước đó, ngày 9/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó trọng tâm xoay quanh vấn đề về tình hình hạt nhân của bán đảo Triều Tiên. Chuyến thăm của ông Vương Nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang đứng trên bờ vực của việc mất kiểm soát tình hình cũng như hai cuộc tập trận chung qui mô lớn nhất giữa liên minh Mỹ-Hàn Quốc đang diễn ra.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters |
Đúng như phát biểu hôm 8/3 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị “Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn tình hình ổn định hiện nay của bán đảo Triều Tiên bị phá hủy”, việc tìm ra giải pháp “cứu nguy” giúp duy trì, bảo vệ tình hình ổn định của Triều Tiên như hiện nay là vô cùng quan trọng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm gần đây cho biết: “Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết duy trì và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và sự hòa bình cũng như ổn định của khu vực biên giới”. Phát ngôn của ông Ngô Khiêm có thể chứng tỏ rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt “Phương án B” nếu Triều Tiên mất kiểm soát tình hình-đó chính là điều động Quân giải phóng Trung Quốc.
Mục đích của chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể là “đánh tiếng” trước với Nga.
Do thái độ của người dân Trung Quốc đối với tình hình Triều Tiên có những chuyển biến rõ rệt, Trung Quốc hiện nay không có cách nào thuyết phục nhân dân tổ chức một cuộc biểu tình để tiếp tục kế hoạch “Chống Mỹ trợ Triều” như trước. Nếu Triều Tiên lại xảy ra chiến tranh, Trung Quốc chỉ có thể ra lệnh cho quân đội đình chiến, chứ không thể tham gia với mục đích đánh bại liên minh Mỹ-Hàn.
Theo thông tin, để đối phó với đợt tấn công”phủ đầu” Triều Tiên của liên quân Mỹ-Hàn, Trung Quốc hiện đã gia tăng lực lượng quân đội tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, trong đó bao gồm cả vũ khí chủ lực là máy bay ném bom. Và, nếu muốn huy động quân đội, Trung Quốc chắc chắn phải thông báo trước cho Nga. Vì Trung Quốc hiện bị trói buộc bởi hiệp định giải pháp tín nhiệm về các hoạt động quân đội tại khu vực biên giới mà hai nước Trung-Nga đã kí kết trước đó.
Nga đã từng cho biết, Nga không có nghĩa vụ quốc tế cần thông báo cho bất cứ quốc gia láng giềng nào về những hành động quân sự của mình tại khu vực này, ngoại trừ Trung Quốc. Đây cũng có thể coi như một tuyên bố của Nga về hiệp định giữa hai nước.
Quân đội Mỹ-Hàn trong cuộc tập trận chung. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, lí do ông Vương Nghị thông báo với Nga cũng là suy nghĩ trên cơ sở mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung-Nga. Mối quan hệ này thể hiện trong việc giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau và hợp tác với nhau của hai nước trên vũ đài quốc tế. Trên cơ sở mối quan hệ Trung Nga, Trung Quốc cũng cần thông báo trước với Nga. Đồng thời, chuyến thăm này của ông Vương Nghị cũng có ý thăm dò, rằng nếu Triều Tiên rơi vào chiến tranh, Trung Quốc sẽ có những hành động quân sự tại đây, liệu Nga có tham gia cùng hay không, và nếu có thì phương án của Nga trong trường hợp này là gì? Trong lần chiến tranh trước của Triều Tiên, Liên Xô và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với nhau, đã cùng nhau đánh bại đội quân do Mỹ đứng đầu.
Cuối cùng, trên cơ sở Nga đã cố gắng trì hoãn việc biểu quyết thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên và chỉ quyết định sau cuộc điện đàm của ông Vương Nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Nga-ông Sergey Viktorovich Lavrov, ông Vương Nghị sẽ phải đích thân đến Nga thông báo về những dự định của Trung Quốc, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ và ủng hộ của Nga trong kế hoạch này.
Nghiêm Thu (Duowei)