Rosalia Lombardo được gọi là "Người đẹp say ngủ" vì dù đã được chôn cất trong hầm mộ tại Cappuccini, Italy đến cả gần 100 năm, đôi mắt của Rosalia vẫn chớp như cô bé còn sống.
Rosalia Lombardo được đánh giá là một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới và được biết đến với cái tên "cô bé trong quan tài kính" hay "người đẹp ngủ trong rừng".
Nam 1920, cô bé qua đời khi mới 2 tuổi vì căn bệnh viêm phổi. Vì quá đau buồn trước sự ra đi của con gái nên cha của Rosalia đã nhờ Alfredo Salafia-một chuyên gia về ướp xác kiêm thợ nhồi bông thú nổi tiếng khi đó tại thành phố Palermo với hy vọng có thể bảo quản xác con gái.
Rosalía Lombardo được bảo quản gần như nguyên vẹn. |
Sau khi được cha của bé Rosalia liên hệ, Alfredo đã tiến hành quy trình ướp xác cô bé 2 tuổi này. Sau gần 1 thế kỷ, công thức ướp xác này vẫn là một bí ẩn. Năm 2009, một nhà nhân chủng học tên Dario Piombino-Mascali đã cố gắng khôi phục lại công thức đã thất truyền này.
Theo thông tin mới nhất, hợp chất mà chuyên gia ướp xác Alfredo sử dụng bao gồm formalin, muối kẽm, rượu, axit salixilic và glycerin.
Nhà nhân chủng học Dario cho biết, formalin được đưa vào công thức với mục đích tiêu diệt các loại vi khuẩn. Glycerin giúp duy trì độ ẩm nhất định còn axit sẽ ngăn chặn nấm mốc phát triển.
Xác ướp biết chớp mắt là câu chuyện được nhiều người truyền tai nhau. |
Thành phần kỳ diệu nhất trong hợp chất ướp xác này được cho là kẽm, vì nó giúp cơ thể không bị phân hủy. Xác của Rosalia là một trong những xác ướp cuối cùng được đưa vào hầm mò Cappuccini. Đây là nơi có khoảng 8.000 xác ướp được bảo quản.
Với hình tượng không bị phân hủy, Rosalia nhanh chóng trở nên nổi tiếng, với lượng du khách tới đây chiêm ngưỡng "kiệt tác xác ướp" này mỗi năm lên đến hàng nghìn người.
Nhìn xác ướp, nhiều người cho rằng Rosalia chỉ đang ngủ. Nhiều nhà khoa học tới đây để chứng thực câu chuyện xác ướp cô bé 2 tuổi này biết chớp mắt. Theo nhiều nhà khoa học, việc chớp mắt có thể do sự thay đổi của nhiệt độ cũng như độ ẩm tự nhiên trong hầm mộ.
Theo Dario, "đó chỉ là ảo giác quang học, gây nên bởi những tia sáng rọi qua cửa sổ và chiếu tới quan tài dưới một góc nhất định".
Trước đó, nhiều người nghi ngờ thi thể của Rosalia được thay thế bởi một phiên bản tượng sáp. Tuy nhiên, khi chụp X-quang quan tài, người ta vẫn tìm ra cấu trúc xương cũng như nội tạng bên trong thi thể vẫn còn nguyên. Não của cô bé cũng hiện trong ảnh chụp X-quang với kích thước bằng một nửa so với người thường do quá trình ướp xác.
Nghiêm Thu (Tổng hợp)