Việt Nam chính thức xuất khẩu gần 17 tấn vải quả sang Australia – một thị trường rất ngặt nghèo trong các quy định về thực phẩm nhập khẩu.
Được biết, việc xuất khẩu gần 17 tấn vải quả sang Australia trong các lô hàng thử nghiệm đầu tiên là kết quả sau 12 năm đàm phán để trái vải của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Australia.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng đại diện Thương vụ tại Australia cho biết, để trái vải có chỗ đứng trên thị trường Australia, hiện Thương vụ Việt Nam tại Australia đang phối hợp với các cá nhân, tổ chức để thúc đẩy phong trào quảng bá vải quả Việt Nam tại thị trường Australia.
Trước đó, theo Thứ trưởng Tuấn Anh, với sự chặt chẽ và khó tính đối với quy trình làm thủ tục nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản để đưa 1 mặt hàng mới như quả chiếm lĩnh thị trường Úc, Mỹ sẽ phải mất từ 5-8 năm, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, đây là bước đi quan trọng và có ý nghĩa để quả vải cũng như nông sản Việt Nam vào được các thị trường này.
|
Quả vải thiểu Việt Nam có 1 năm 2015 ... đột phá |
“Với những quy chuẩn ngặt nghèo, chúng ta không thể kỳ vọng có số lượng lớn hàng vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc cũng như EU trong từ 1 đến 2 năm tới. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần có lộ trình dài hơn. Nhập khẩu hoa quả, thực phẩm theo đường chính ngạch vào Mỹ, Úc phải qua các khâu kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, quy trình xuất xứ, đóng gói... rất nghiêm ngặt. Để qua các bước này sẽ cần hoàn thiện hơn về chất lượng và mẫu mã, thương hiệu”, Thứ trưởng Tuấn Anh khẳng định.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2015 sẽ có khoảng vài trăm tấn thí điểm vào 2 thị trường này. Với những bước đi thận trọng, dự kiến lượng vải xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc sẽ không lớn và không thể tạo ra đột biến.
Song song đó, việc xuất quả vải thiều sang các nước phương Tây được đánh giá là “của một đồng, công một nén”. Theo một tính toán của Vnexpress.net, được thu mua 15.000 đồng tại vườn, mỗi cân vải sang tới sân bay Mỹ có giá gần 200.000 đồng do tốn thêm nhiều chi phí đóng gói, bảo quản và đặc biệt là vận chuyển.
Cùng với quy trình chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ phía đối tác, việc thu mua từ vùng nguyên liệu, sơ chế, bảo quản, vận chuyển đến cảng hàng không quốc tế đều là một dây chuyền khép kín với chi phí được tính trên mỗi kg vải.Theo lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu, mỗi kg vải đến sân bay tại Mỹ có giá thành trên 8 USD, trong đó chi phí vận chuyển hàng không quốc tế chiếm hơn một nửa.
Cùng với giá nguyên liệu trước và sau khi thu hoạch, bao bì đạt chuẩn, nhân công, vận chuyển đường bộ, chiếu xạ, thủ tục hải quan, riêng vận chuyển hàng không quốc tế chiếm đến 60% tổng chi phí. Số tiền này chưa tính đến rủi ro hàng có thể hỏng và bị trả lại.
Doanh nghiệp cho biết do năm đầu tiên thử nghiệm nên vận chuyển hàng không là phương án tối ưu. Sau khi định vị được thị trường, vụ thu hoạch sau có thể doanh nghiệp sẽ xuất khẩu bằng đường biển, vừa giảm giá thành, đồng thời tăng số lượng.
Trong năm 2015, Việt Nam đã có 6 tấn vải thiều xuất sang Mỹ, 500kg vải thiều xuất sang Pháp và dự tính sẽ thêm 2-3 tấn nữa xuất sang nước Châu Âu này.
Theo ước tính, năm 2015, sản lượng quả vải đạt khoảng 200.000 tấn vẫn trông vào tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc. Dự báo thị trường cũng như kinh nghiệm đã tổ chức trong thời gian qua, tiêu thụ nội địa và Trung Quốc vẫn tương tự năm ngoái, cơ cấu 60% dành cho thị trường Trung Quốc và 40% tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, từ việc có được sự chấp thuận đến việc đưa thành công các loại sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường Mỹ, Úc không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực lớn của chúng ta trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, giữ vững chất lượng và marketing sản phẩm.
Nam Nam (Tổng hợp)