Tuyên bố ngừng thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hôm 21/4 vừa qua có thể hiểu là một quyết định chủ động, cho thấy nước này tự coi mình là cường quốc hạt nhân ngang hàng với Mỹ.
Triều Tiên vừa tuyên bố từ ngày 21/4 ngừng thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa, cũng như ngừng hoạt động một cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Lý do chính thức được Triều Tiên đưa ra là chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn tất đến mức nước này không còn cần thiết phải thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa nữa.
Cũng có thể hiểu lời giải thích này là Triều Tiên không còn cần phải thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa nữa, chứ không phải bị ai ép buộc phải ngừng. Nghĩa là họ hoàn toàn chủ động chứ không hề bị động, và cũng không phải bị bức bách gì trước hai sự kiện lớn sắp diễn ra trong thời gian tới là cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba vào ngày 27/4 tới tại Bàn Môn Điếm, và sau đó là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.
Việc Triều Tiên trên thực tế có cần phải tiếp tục tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa để đạt được mục tiêu theo đuổi với chương trình này hay không, thật sự chỉ có phía Triều Tiên biết, còn người ngoài chỉ có thể phỏng đoán.
Nhưng điều có thể chắc chắn được là tuyên bố mới của Triều Tiên liên quan mật thiết và trực tiếp tới hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Cũng chính vì thế mà nó là nước cờ cao tay của Triều Tiên về chính trị.
Nước cờ cao tay
Sau lần cuối cùng thử hạt nhân và phóng tên lửa hồi cuối tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố là Triều Tiên đã thành công với chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trên thế giới, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tự nhận là có vũ khí hạt nhân sau đó đều không tiến hành thử hạt nhân nữa, mà chỉ thỉnh thoảng phóng thử tên lửa.
Với sự quả quyết mà người ngoài không kiểm chứng được hồi cuối tháng 11 năm ngoái, chính ông Kim Jong-un đã tự đẩy mình vào tình thế "bước chân đi cấm kị trở lại", nghĩa là Triều Tiên không thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng thử các loại tên lửa đã từng phóng thử được nữa.
Vì thế, trên thực tế, tuyên bố mới đây nhất của Triều Tiên chỉ là sự xác nhận chính thức một lần nữa những điều ông Kim Jong-un từng khẳng định hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Chuyện này không chỉ có liên quan trực tiếp, mà còn là một phần của hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tổng thống Mỹ Donald Trump đã không nhận lời và thúc đẩy thực hiện cuộc gặp với ông Kim Jong-un, nếu như không có sự đảm bảo chắc chắn từ phía Triều Tiên là trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh phải bao gồm nội dung "chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Nếu Triều Tiên không thay đổi quan điểm lâu nay về vấn đề này thì sẽ không có cuộc gặp cấp cao nào hết với Mỹ và Hàn Quốc. Dư luận nội bộ ở Hàn Quốc và Mỹ sẽ không để cho hai vị tổng thống đương nhiệm ở hai nước này được yên, nếu như lãnh đạo của họ đã gặp ông Kim Jong-un rồi mà phía Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa như bấy lâu nay.
Theo mức độ từ thấp đến cao, đòi hỏi của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên là Bình Nhưỡng cần chấm dứt thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa, ngừng hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân, giải trừ toàn bộ tiềm lực hạt nhân, và thực hiện tất cả những chuyện này dưới sự giám sát quốc tế.
Tức là để hai sự kiện này được tổ chức và đạt được kết quả, Triều Tiên không chỉ phải chấp nhận trao đổi với Hàn Quốc và Mỹ về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình mà còn phải sẵn sàng nhượng bộ trước Mỹ và Hàn Quốc.
Con bài chính trị và dư luận đắc dụng
Trong chuyện này, ngừng thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa là việc đầu tiên và trước hết mà bộ ba Mỹ - Hàn - Triều phải xử lý, và nó phải là kết quả của hai cuộc hội đàm cấp cao.
Để tránh phải nhượng bộ việc này trong cuộc gặp cấp cao, Triều Tiên đã không chỉ biến nó thành chuyện đương nhiên của mình, mà còn dùng nó làm động thái chính trị để thể hiện thiện chí đối thoại và coi trọng mối quan tâm của các bên còn lại, để tạo bầu không khí chính trị thuận lợi nhất có thể cho hai cuộc gặp, để hậu thuẫn ông Moon Jae-in và ông Trump đối phó với những người chống việc họ gặp ông Kim Jong-un, và khích lệ họ kiên định với kế hoạch gặp lãnh đạo Triều Tiên.
Động thái này còn nhằm thuyết phục thế giới bên ngoài tin tưởng vào tính liên tục và nhất quán của sự điều chỉnh định hướng Chính sách của Triều Tiên đối với Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian vừa qua. Triều Tiên biến cái sẽ bị mất ở hai cuộc cấp cao thành con bài chính trị và dư luận đắc dụng trước hai sự kiện ấy.
Với tuyên bố mới đây nhất nói trên, Triều Tiên chính thức tự coi mình là cường quốc hạt nhân và phát đi thông điệp ngầm về phía Mỹ là Triều Tiên ngang hàng với Mỹ trên phương diện này.
Tuyên bố ấy cùng những nội dung ấy chưa đủ để ta nhận diện được hoàn toàn quan điểm của Triều Tiên về "phi hạt nhân hóa".
Nó tạo cơ sở tốt và là sự khởi đầu tốt cho thành công của hai sự kiện, nhưng nếu chỉ như vậy không thôi, tức là không được tiếp đà bằng những thoả thuận sâu rộng hơn liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thì tuyên bố của Triều Tiên chưa thể đủ để hai cuộc cấp cao thành công như mong đợi chung.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.