Giới phân tích Hàn Quốc ước tính, khoảng 2 triệu người dân ở thủ đô Seoul sẽ thiệt mạng ngay lập tức nếu bị tấn công bởi một vũ khí hạt nhân tương tự vụ thử ngày 3/9 của Triều Tiên.
Telegraph cho biết, năm 1998, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên cho thử nghiệm dưới lòng đất một vụ nổ đầu đạn 15 kiloton, nhằm đánh giá ảnh hưởng của nó với doanh trại Yongsan của lính Mỹ đặt tại trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đầu đạn này có sức công phá bằng quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II, khiến 135.000 người lập tức thiệt mạng.
Nếu đầu đạn 15 kiloton này tấn công Hàn Quốc, các tòa nhà nằm trong phạm vi 152 mét từ tâm vụ nổ sẽ hoàn toàn tan thành tro bụi. Bất cứ ai đứng trong bán kính 1,6 km quanh vụ nổ sẽ lập tức bị bỏng cấp độ 3. Ước tính 620.000 người ở Hàn Quốc sẽ lập tức thiệt mạng hoặc chết sau vài tuần bởi phơi nhiễm phóng xạ.
Khoảng 2 triệu người dân ở thủ đô Seoul sẽ thiệt mạng ngay lập tức nếu bị tấn công bởi một vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh minh họa: Wiki |
Trong khi đó, Hàn Quốc ban đầu đánh giá vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên gây rung chấn sâu xuống 1,2 km dưới mắt đất, có sức công phá khoảng 50 kiloton. Giả định vũ khí này bị ném xuống Seoul, nó sẽ khiến 2 triệu người chết. Tờ Chosun Ilbo cũng khẳng định các thiết bị điện tử sẽ ngưng hoạt động do xung điện từ của vụ nổ.
"Một quả bom hạt nhân 50 kiloton ném xuống Seoul sẽ khiến các công trình quanh tâm vụ nổ 365 mét hoàn toàn bốc hơi. Các tòa nhà cách đó 2,4 km sẽ biến thành những ngọn đuốc, bất cứ thứ gì cách đó 11 km cũng đều hứng chịu thiệt hại ghê gớm", tờ báo Hàn Quốc viết.
"Mọi người trong bán kính hơn 4 km của vụ nổ sẽ bị bỏng cấp 3 và không ai có thể sống sót. Hỏa hoạn sẽ hoành hành trong bán kính 17 km tại Seoul", báo này cho biết thêm.
Chosun Ilbo cho rằng dường như chính phủ Hàn Quốc vẫn còn đánh giá thấp sức mạnh vũ khí hạt nhân Triều Tiên, trong khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản ngày 3/9 đều cho rằng vụ nổ tại bãi thử Punggye-ri của Bình Nhưỡng lớn hơn rất nhiều.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghe giới thiệu về mô hình đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 6/9 nói với các phóng viên rằng bộ đã sửa đổi ước tính về sức công phá của bom nhiệt hạch Triều Tiên thành 160 kiloton, thay đổi so với đánh giá trước đó là khoảng 70 -120 kiloton.
"Quả bom này uy lực hơn rất nhiều so với các cuộc thử nghiệm hạt nhân của họ trong quá khứ", ông nói.
Tình báo Mỹ ngày 5/9 cũng đưa ra đánh giá cho rằng sức công phá của bom nhiệt hạch Triều Tiên lên đến 140 kiloton.
Trong khi đó, trưởng bộ phận chính trị tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman ước tính uy lực của quả bom trong khoảng 50 - 100 kiloton.
Lê Huyền (tổng hợp)