Cúng Tất niên là một trong những nghi lễ trang trọng. Đây cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ ông bà tổ tiên cũng như bày tỏ ước muốn của họ về một năm mới tràn đầy hạnh phúc.
Trong quan niệm dân gian, cúng tất niên có những nguyên tắc cũng như sự kiêng kỵ cần tuân thủ. Dù vậy, không phải ai cũng biết hết những nguyên tắc cũng như điều kiêng kỵ này khi hành lễ trong gia đình.
Một trong những ý nghĩa sơ khai nhất của lễ cúng tất niên cuối năm chính là tổng kết một năm cũ đã qua và chào đón một năm mới sắp đến.
Trong những ngày này, người ta bày mâm cỗ thịnh soạn để cảm ơn những vị như Thần, Phật, tổ nghề đã phù trợ cho cuộc sống của họ được suôn sẻ trong năm cũ.
Tất niên cũng là dịp để gia đình đoàn viên khi tất cả các thành viên đều tụ họp, quây quần bên nhau để chào đón năm mới.
Cúng Tất niên cuối năm thường được cử hành vào ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch (tức 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy từng năm).
Mặc dù đây là ngày lễ quen thuộc đối với nhiều gia đình vào dịp cuối cùng của năm cũ nhưng không phải ai cũng biết được những điều kiêng kỵ này.
Từ xa xưa, cha ông ta đã quan niệm 'có thờ có thiêng, có kiêng có lành' và để cầu mong một năm mới an lành và thịnh vượng, nhiều người đã vô cùng cẩn trọng trong khâu hành lễ cúng.
Đây cũng không phải là một hình thức mê tín dị đoan mà là cách để các con cháu thể hiện tấm lòng thành kính đến tổ tiên đã khuất và là nét đẹp đáng quý trong truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' của dân tộc ta từ hàng nghìn đời trước.
1. Thời điểm làm mâm cúng Tất niên
Thời điểm tốt nhất để làm mâm cúng Tất niên chính là vào chiều 29 hoặc 30 Tết (tuỳ từng năm). Đây được xem là thời gian hoàn hảo nhất để bày lễ cúng Tất niên cuối năm. Bởi đây là lúc mọi công việc trong năm cũ đã kết thúc, cũng là lúc nhà cửa vừa dọn dẹp xong.
Những người đi xa chưa kịp trở về, cả gia đình sẽ quây quần đầm ấm và cùng chuẩn bị mâm cơm tối dâng cúng ông bà cũng như thưởng thức cùng nhau trước khi chào đón giao thừa của năm mới.
Dù vậy không phải gia đình nào cũng may mắn có được khoảnh khắc hạnh phúc trên bởi công việc bận rộn trong xã hội hiện đại không cho phép họ làm điều đó.
2. Không sử dụng hoa quả nhựa khi dâng cúng
Hoa giả, quả giả là những thứ tuyệt đối kiêng kỵ khi bày mâm lễ bàn thờ cúng Tất niên.
Cúng Tất niên có thể không đúng ngày giờ nhưng vật phẩm dâng cúng thì chắc chắn không được sai.
Dâng cúng hoa quả nhựa bị coi là hình thức 'phạm thượng', không tôn trọng ông bà tổ tiên.
3. Kiêng kỵ đổ vỡ
Đổ vỡ được xem là điềm báo không may sắp tới, đặc biệt vào thời điểm quan trọng như thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Dưới góc độ thực tế thì trong tiệc tất niên chắc chắn sẽ có nhiều trẻ con và người lớn tuổi, những mảnh vỡ từ thuỷ tinh, chén dĩa hoặc nến, dầu có thể gây nguy hiểm đến các nhóm đối tượng này.
4. Không đùa cợt và gây ồn ào khi hành lễ
Chưa cần xét đến yếu tố tâm linh, việc trang trọng khi hành lễ là một trong những phép tắc quan trọng trong giao tiếp và ứng xử hàng ngày.
Cúng Tất niên cuối năm được xem là một nghi lễ đầy trang trọng và thành kính.
Nếu như ai đó cười đùa, nói chuyện, chửi tục hoặc nói bậy thì không khác gì bất kính với tổ tiên của mình.
Ngoài ra trong lúc cúng, kiêng gọi tên trẻ nhỏ vì dân gian cho rằng đây là thời điểm các hồn ma lang theo ông bà dạt vào nhà và nếu chúng nghe được tên trẻ nhỏ yếu bóng vía sẽ có thể làm hại đến trẻ.
5. Mặc trang phục quá tuềnh toàng khi hành lễ
Ngoài việc thể hiện thái độ thành kính, người hành lễ cũng cần có một thân thể sạch sẽ và gọn gàng. Nó đại diện cho sự thuần khiết và thanh sạch khi 'giao tiếp' với cõi âm cũng như chào đón ông bà trở về.
Tất niên được xem là dịp đoàn viên khi ai đi xa thì trở về ai bận rộn thì có thể tạm gác lại công việc và cùng quây quần bên mâm cơm gia đình.
** Bài viết mang tính chất tham khảo