Được trả tự do sau 40 ngày bị Nhà nước Hồi giáo IS giam cầm, tra tấn, phóng viên Bunyamin Aygun đã xuất bản cuốn sách kể về những ngày tháng kinh hoàng đó.
Nhà báo Bunyamin Aygun đã có 40 ngày kinh hoàng trong hang ổ IS
Nhà báo Bunyamin Aygun, người Thổ Nhĩ Kỳ bị IS bắt cóc ngày 25/11/2013 khi đang trên đường đi phỏng vấn nhóm chiến binh thánh chiến tại thị trấn Salkin. Ông từng bị giam giữ cùng 1 chỉ huy của lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA). Sau khi được trả tự do, ông đã cho xuất bản cuốn hồi ký mang tên “40 ngày nằm trong tay IS” viết về những gì những ngày tháng kinh hoàng đã trải qua.
“Nếu tôi không viết cuốn sách thì tôi giống như đã phản bội các đồng nghiệp của mình. Mọi thứ dường như chỉ mới thoáng qua. 40 ngày đó như thể 40 năm”, nhà báo Aygun nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp.
Sau khi bị bắt, một người đàn ông mà Aygun gọi là “Dayi” – nghĩa là chú – ngày ngày mang thức ăn và nước uống cho nhà báo. Người chú này nói với Aygun: “Ta rất muốn cứu ngươi, nhưng tiếc là ta không thể. Qadi (thẩm phán Hồi giáo) đã phát quyết xử tử ngươi”.
Nhà báo đợi trong 3 ngày. Trong thời gian đó, ông lên kế hoạch tấn công những kẻ cai ngục để trốn thoát thay vì chờ bị chặt đầu. Tuy nhiên, sau 3 ngày không thấy ai tới buồng giam.
“Sự im lặng, nỗi cô đơn và bấp bênh đủ để khiến tôi phát điên nhưng một sức mạnh siêu nhiên đã giúp tôi giữ được sự tỉnh táo. Chờ đợi cái chết là cách tra tấn khủng khiếp nhất”, Aygun hồi tưởng lại.
Sang đến ngày thứ 3, những tay súng IS đến mang theo xác “Dayi” đã chết trong một trận chiến. Các chiến binh bắt Aygun ngửi và hôn xác “Dayi” để biết mùi “tử vì đạo” là như thế nào.
Cho tới một ngày, một nhóm vũ trang tấn công nơi Aygun bị giam giữ. Ông nghĩ rằng “Mọi thứ đã kết thúc, chúng sẽ đưa tôi ra ngoài và chặt đầu”. Tuy nhiên, không có tay súng IS nào xuất hiện. Aygun bị bỏ lại trong buồng giam. Ông nghĩ chắc IS chọn để ông chết đói thay vì chặt đầu.
Vào một đêm, Aygun được một nhóm quân nổi dậy trả tự do và ông trở về Thổ Nhĩ Kỳ nhờ sự can thiệp của cơ quan tình báo nước này. Ông là người may mắn bởi sau đêm đó, IS đã thực hiện hàng loạt vụ hành quyết phóng viên và nhân viên nước ngoài.
"Khi viết cuốn sách, tôi cảm thấy đau đớn khi những cảm giác lúc đó ùa về. Nhưng khi hoàn thành nó, tôi thấy nhẹ nhõm", Aygun xúc động nói.
Sau một thời gian phục hồi, Aygun trở lại làm việc tại tòa soạn báo Milliyet. “Mọi người đều biết cách IS đối xử với con người. Tuy nhiên, tôi muốn kể cho mọi người những câu chuyện họ chưa từng biết về Nhà nước Hồi giáo".
Bảo Linh (Tổng hợp)