Mùa hè nóng nực, nước mía là một loại nước uống giải nhiệt tốt và có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, nhuận tràng, có thể chữa ho khan, mất dịch vị, miệng khô khát, nôn ọe nhiều, mệt mỏi. Bên trong nước mía có nhiều thành phần như can-xi, crôm, côban, đồng,… cung cấp sắt và nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, nước mía cũng là loại nước uống siêu ngọt nên một số người sau cần phải tránh nếu không có thể gây hại cho cơ thể.
Người béo phì, người có nguy cơ tiểu đường
Theo các nhà khoa học, trong mía, đường chiếm đến 70% lượng dinh dưỡng. Bởi vậy, uống nhiều nước mía có thể gây tăng cân, béo phì. Bên cạnh đó, những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng không nên uống nước mía.
Phụ nữ mang thai
Trong thời gian mang thai, phụ nữ cần phải bổ sung nhiều chất từ các thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, trong mía, thành phần đường là chủ yếu, nếu uống quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.
Người có đường ruột yếu, hay đầy bụng, đi lỏng
Nước mía vốn có tính lạnh nên những người đường ruột yếu, hay bị đầy bụng không nên sử dụng nước mía thường xuyên sẽ dễ bị đau bụng, đi ngoài.
Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc
Trong nước mía có chứa chất policosanol giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, khi đang sử dụng thuốc bổ sung, chống đông máu thì sẽ làm cản trở tác dụng của policosanol.
Bên cạnh đó, một số nguy cơ tiềm ẩn nguy hại đến sức khỏe còn có thể xảy ra khi uống phải loại nước mía kém vệ sinh. Các khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước nếu không đảm bảo sạch sẽ có thể khiến nước mía dễ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, nặng hơn có thể gây ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng.