Bạn đã từng gặp tình huống muốn hắt hơi nhưng cố nén lại không? Có lẽ bạn đang trên moont chuyến tàu đông đúc vào giờ cao điểm hoặc ở trong thang máy chật kín với đồng nghiệp. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid bùng nổ, việc hắt hơi ở nơi công cộng hoặc ở gần người khác trở thành điều cấm kỵ.
Mặc dù việc kìm lại hoặc hắt hơi vào khuỷu tay, khăn giấy là điều thường thấy và lịch sự, nhưng các chuyến gia khuyến cáo không nên cố ngăn chặn việc hắt hơi vì nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể.
Thực tế, vào năm 2018, một người Anh đã bị rách họng vì kìm nén hắt hơi. Điều này xảy ra khi bạn bịt miệng hoặc mũi lúc hắt hơi sẽ làm tăng áp lực trong đường hô hấp từ 5-20 lần so với hắt hơi bình thường. Do không có lối thoát, áp lực này sẽ chuyển đến các phần khác của cơ thể. Tiến sĩ Theresa Larkin, giáo sư phó khoa Khoa học Y tại Đại học Wollongong, Úc nói: "Có thể gây tổn thương cho mắt, tai hoặc mạch máu. Mặc dù nguy cơ thấp, nhưng đã có báo cáo về bệnh động mạch não, rách họng và xẹp phổi".
1. Tổn thương họng
Trường hợp người đàn ông Anh kể trên chính là ví dụ về tổn thương họng do nhịn hắt hơi. Do kìm mũi và miệng trước khi hắt hơi, áp lực đã làm rách mô mềm, các bác sĩ cho biết.
Người đàn ông 34 tuổi sau đó cảm thấy đau đớn và hầu như không thể nuốt được. Anh ta cảm nhận được cảm giác nổ trong cổ mình, phần cổ bắt đầu sưng to sau khi cố kìm nén hắt hơi bằng cách bịt mũi và miệng.
2. Mặt đỏ bừng
Hắt hơi tạo ra rất nhiều áp lực và việc cố kìm nén nó có thể làm nổ mao mạch ở mắt, mũi hoặc màng nhĩ. Điều này có thể gây tổn thương nông ở mặt, làm cho mặt đỏ, nhiều đốm.
Tiến sĩ Jason Abramowitz, một bác sĩ tai mũi họng từ Allergy Associates, New Jersey, Mỹ, nói: "Đôi khi bạn có thể tháy một chấm đỏ trên mắt hoặc thậm chí bị chảy một ít máu mũi". Trong trường hợp nặng hơn, nhịn hắt hơi có thể làm thủng màng nhĩ. Màng nhĩ bị rách thường tự hồi phục trong vài tuần mà không cần hồi phục, nhưng cũng có trường hợp nặng thì bị mất thính lực.
3. Nổ động mạch não
Trong trường hợp hiếm hoi, áp lực tăng trên mặt có thể gây chứng nổ động mạch não. Điều này xảy ra khi có một phần nổi lên ở một mạch máu yếu.
Khi mạch máu nổ trong não có thể dẫn đến chảy máu trong hộp sọ xung quanh não. Điều này rất nguy hiểm. Chảy máu có thể gây tổn thương não rộng lớn, 3/5 trường hợp tử vong trong vòng 2 tuần sau khi gặp phải tình trạng này.
4. Viêm tai giữa
Đối với những người hắt hơi vì bị cảm lạnh hoặc cúm, việc kìm nén có thể gây viêm tai giữa. Theo Bệnh viện Cleveland, hắt hơi giúp làm sạch mũi khỏi bụi bẩn, vi khuẩn. Vì vậy, việc đẩy không khí mang theo vi khuẩn hoặc dịch nhiễm trùng trở lại tai giữa có thể gây nhiễm trùng.
5. Xẹp phổi
Khi bạn nén hắt hơi, bạn có thể cảm nhận được cảm giác tức ngực khó chịu. Tiến sĩ Jason nói hiện tượng này xuất hiện vì bạn đang tạo áp lực lên cơ hoành, cơ ở ngực giúp chúng ta thở.
Mặc dù hiếm gặp nhưng đã có báo cáo về tình trạng nhịn hắt hơi khiến không khí và áp suất bị mắc kẹt trong cơ hoành, khiến phổi xẹp. Tình trạng này được gọi là tràn khí màng phổi, xảy ra khi không khí bị mắc kẹt giữa phổi và thành ngực.
Trong một số trường hợp, khi chỉ có một lượng nhỏ không khí bị mắc kẹt, nó thường tự khỏi. Lượng không khí bị mắc kẹt lớn hơn có thể nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp.