(Tinmoi.vn) Được xem là mối đe dọa an ninh mới tại khu vực Trung Đông, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những nhóm thánh chiến nguy hiểm nhất thế giới, thậm chí còn có phần vượt trội so với mạng lưới khủng bố khét tiếng al-Qaeda.
Dưới tên cũ là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), nó được thành lập vào tháng 4/2013, bắt nguồn từ nhóm al-Qaeda tại Iraq (AQI). IS đã bị al-Qaeda chối bỏ, nhưng trở thành một trong những nhóm thánh chiến chủ chốt chiến đấu chống lại các lực lượng chính phủ tại Syria và Iraq.
IS có lãnh thổ rộng lớn
Chỉ trong tám tháng, IS đã kiểm soát một vùng rộng lớn phía tây và phía bắc Iraq, rồi mở rộng sự hiện diện tại Bắc Syria. Hiện IS đang sở hữu vùng lãnh thổ lớn hơn cả diện tích Jordan (khoảng 91.880km2). Ngược lại, al-Qaeda không hề kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào ngoại trừ các trại huấn luyện ở các vùng hoang vắng ở Afghanistan.
Các tay súng IS ở Syria
IS đang kiểm soát nhiều thành phố lớn ở Iraq và Syria cùng các giếng dầu, có khí tài hùng hậu sau khi chiếm giữ được các kho vũ khí của quân đội Iraq và Syria. Với các vùng lãnh thổ này, IS có căn cứ vững mạnh để vươn vòi bạch tuộc ra khắp khu vực.
Nhân lực, tài chính dồi dào
Khác với các tổ chức cực đoan khác, IS có lượng vũ khí cực lớn và rất nhiều binh sĩ. Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria ước tính chỉ trong tháng 7, IS đã chiêu mộ được 6.300 tay súng với 80% là người Syria và phần còn lại là người nước ngoài.
Chính phủ Mỹ cho biết IS có tổng cộng 15.000 tay súng. Tuy nhiên các nhà phân tích Iraq cho rằng con số thực tế có thể cao gấp ba. Một số lượng lớn các tay súng đến từ châu Âu, Úc và các nước Liên Xô cũ. Washington ước tính khoảng 100 công dân Mỹ đã gia nhập IS.
Ban đầu, IS phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ các cá nhân giàu có tại các quốc gia Ả-rập và Vùng Vịnh, đặc biệt là Kuwait và Ả-rập Xê-út, vốn ủng hộ cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Giờ đây, IS được cho là đã kiếm được những khoản tiền lớn từ các mỏ dầu mà nhóm kiểm soát ở phía đông Syria, được cho là đang bán lại dầu cho chính phủ Syria. IS cũng được tin là đã bán nhiều cổ vật ăn cắp được từ các địa điểm lịch sử.
Nhà nước Hồi giáo là tổ chức có nguồn nhân lực, tài chính dồi dào
Giáo sư Neumann tin rằng trước khi giành quyền kiểm soát thành phố Mosul hồi tháng 6/2014, IS có trong tay khoản tiền mặt và tài sản trị giá khoảng 900 triệu USD. Sau đó, số tiền này đã tăng lên khoảng 2 tỷ USD.
IS được cho là đã thu hàng trăm triệu USD từ một chi nhánh của ngân hàng ung ương Iraq tại thành phố Mosul. Nguồn tài chính của IS dự kiến sẽ còn tăng lên nếu nhóm tiếp tục duy trì việc kiểm soát các mỏ dầu ở miền Bắc Iraq.
Theo các nguồn tin phương Tây, rất nhiều người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Jordan, Syria và Saudi Arabia đã cung cấp vốn cho ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, tiền thân của IS) hoạt động trong giai đoạn đầu tiên. Các tay súng ISIL còn tự kiếm tiền bằng những hành vi như buôn lậu, bảo kê, bắt cóc đòi tiền chuộc... Các chuyên gia kinh tế ước tính ISIL sở hữu khối tài sản khoảng 2 tỉ USD.
Sự cai trị tàn bạo
IS do một kẻ có tên là Abu Bakr al-Baghdadi đứng đầu. Có rất ít thông tin về kẻ này, nhưng ông ta được tin là sinh tại Samarra, phía bắc Baghdad, vào năm 1971 và tham gia lực lượng nổi dậy, vốn bùng phát tại Iraq không lâu sau khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Iraq năm 2003.
Vào năm 2010, Baghdadi trở thành lãnh đạo của al-Qaeda tại Iraq, một trong những nhóm sau đó tham gia IS.
Baghdadi được xem là một nhà chiến thuật và chỉ huy chiến trường, điều khiến các nhà phân tích nói rằng giúp nhóm của y trở nên hấp dẫn hơn đối với các phần tử thánh chiến trẻ tuổi hơn al-Qaeda, hiện do al-Zawahiri, một nhà thần học Hồi giáo, đứng đầu.
Một bức ảnh hiếm của Abu Bakr al-Baghdad được Bộ nội vụ Iraq công bố
Giới phân tích cho biết IS cực kỳ tàn bạo với kẻ thù. Nhóm này thường xuyên chặt đầu các binh sĩ Syria và xử tử thường dân người Hồi giáo Shiite cũng như binh sĩ Iraq. Việc bêu đầu kẻ thù nhằm tạo ra một bầu không khí khủng bố, kinh hoàng. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HW) ước tính IS đã xử tử khoảng 700 thành viên bộ tộc Sheitaat ở vùng Deir al-Zour tại Syria.
Tuy nhiên IS cũng tỏ ra linh hoạt hơn al-Qaeda tại Iraq. Tổ chức này đã cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và bảo vệ an ninh cho dân cư Hồi giáo Sunni ở Syria nhằm mua chuộc lòng người. Tạp chí Foreign Policy cho biết IS cho phép các quan chức địa phương ở Syria và Iraq tiếp tục giữ vị trí quản lý các bệnh viện, cơ quan luật pháp, các dịch vụ công cộng…
Tại các thị trấn như Raqqa, al-Bab và Manbij (Syria), IS thể hiện rõ năng lực quản lý hiệu quả. Viện Nghiên cứu chiến tranh cho biết tại các khu vực này, IS mở rộng dịch vụ cho người dân, cung cấp thiết bị để sửa chữa hạ tầng như đường điện, hệ thống xử lý rác thải…
Chính quyền Iraq bối rối
Giới phân tích cho rằng sự yếu kém của chính quyền Iraq là lý do khiến IS liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại quốc gia này. Cựu thủ tướng Nouri al Maliki áp dụng các Chính sách phân biệt đối xử với người Hồi giáo Sunni, khiến họ nổi giận và ủng hộ IS. Tân thủ tướng Haidar al-Abadi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ hàn gắn sự bất đồng giữa người Hồi giáo Shiite và Sunni.
Một số lãnh đạo Sunni đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông al-Abadi nếu ông này chấp nhận chia sẻ quyền lực trong chính phủ cho người Sunni. Người Kurd ở Iraq cũng cho biết sẽ cho ông al-Abadi cơ hội hợp tác.
Các nhóm phiến quân ra sức tranh giành IS
IS hoạt động độc lập với các nhóm thánh chiến khác tại Syria như Mặt trận al-Nusra, nhánh al-Qaeda chính thức tại Iraq, và có mối quan hệ căng thẳng với các nhóm phiến quân khác.
Các chiến binh IS hành quyết công khai những người chống đối
Thủ lĩnh của IS, Baghdadi, đã tìm cách hợp nhất với al-Nusra nhưng nhóm này từ chối liên minh và hai bên đã hoạt động độc lập từ đó.
Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của al-Qaeda, đã hối thúc IS tập trung vào Iraq và để Syria cho al-Nusra, nhưng Baghdadi và các tay súng của y đã công khai chống lại yêu cầu đó.
Thái độ thù địch với IS ngày càng gia tăng tại Syria khi IS thường xuyên tấn công các phiến quân khác và lạm dụng các dân thường ủng hộ phe đối lập Syria.
Vào tháng 1/2014, các phiến quân từ cả các nhóm Hồi giáo và được phương Tây ủng hộ đã phát động một chiến dịch chống lại IS để tìm cách đuổi các tay súng phần lớn là người nước ngoài ra khỏi Syria.
Mỹ với phương châm không tham chiến, nhưng trong cuộc khủng hoảng ở Syria đã luôn phản ứng tương đối chậm chạm với các diễn biến leo thang quá nhanh tại khu vực. Từ một mồi lửa dân chủ kiểu “Mùa Xuân Arập”, Syria đã trở thành địa ngục với sự tham gia và thắng thế của các nhóm khủng bố toàn cầu, đe dọa cả sự an toàn của Mỹ một khi Syria sụp đổ.
Yên Yên (Lược dịch theo CNN)