Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý đối với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, Bắc Kinh đã lặp lại mối đe dọa thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Thế nhưng, theo các chuyên gia, ADIZ sẽ trở thành sai lầm tồi tệ nhất của Trung Quốc.
ADIZ là một cùng phòng không, liền kề nhưng vượt xa hơn không phận và lãnh thổ quốc gia của một nhà nước, nơi máy bay được xác định, theo dõi và kiểm soát theo lợi ích an ninh quốc gia.
Mục đích thiết lập ADIZ ở Biển Đông của Trung Quốc là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền - một lời đáp trả rõ rệt đối với phán quyết của PCA và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tháng 11/2014, Bắc Kinh cũng đã thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. ADIZ cũng đóng vai trò như một phương tiện để loại trừ và ngăn chặn các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, vốn bao gồm cả các chuyến bay quân sự được tạo ra để thách thức tuyên bố quyền hạn hàng hải. Trung Quốc đã phát triển một loạt các đường băng ở những đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể nhằm mục đích tạo ra ADIZ.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông ngoài việc khiến căng thẳng leo thang thì còn là một sai lầm trong vấn đề luật pháp quốc tế và sự nhầm lẫn trong vấn đề Chính sách. ADIZ là những thực thể vốn thuộc về luật pháp quốc tế, việc thực hiện được quy định bởi các nguyên tắc bắt nguồn từ quyền tự vệ vốn có và các công ước như Công ước Hàng không dân dụng quốc tế (Hiệp ước Chicago) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS). Mặc dù có hơn 20 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã thiết lập ADIZ, những khu vực phòng thủ giới hạn này vẫn không được sử dụng để Bắc Kinh hợp pháp hóa bá mộng Biển Đông của họ. Một nghiên cứu về các yếu tố của ADIZ cho thấy, cách tiếp cận như vậy là một sự điên cuồng.
Việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ là sai lầm tồi tệ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trước hết, vai trò của ADIZ là phương tiện mang ý nghĩa phòng vệ trước các mối đe dọa đến từ các vùng biển. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thiết lập ADIZ đầu tiên như một phương tiện bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ các máy bay ném bom của Liên Xô. Việc sử dụng ADIZ để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển tranh chấp sẽ đi lệch thực tiễn quốc gia, xâm phạm các quyền của tất cả những quốc gia khác xung quanh. Trong kịch bản này, lý do pháp lý của ADIZ về cơ bản đã đảo ngược từ phòng thủ sang tấn công, từ việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thành mở rộng cưỡng chế chủ quyền.
Thứ hai, ADIZ chỉ có thể được áp dụng một cách hợp pháp liên quan đến việc ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của máy bay vào không phận quốc gia. ADIZ không thể được sử dụng để kiểm soát máy bay nước ngoài không có ý định xâm phạm không phận quốc gia. Các quốc gia chỉ được hưởng chủ quyền độc quyền đối với vùng trời trên lãnh thổ quốc gia họ. Ngoài vành đai lãnh thổ này, tất cả các nước được hưởng quyền tự do ở những vùng biển tự do, bao gồm cả tự do bay, một nguyên tắc đã được quy định rõ trong UNCLOS. Những hạn chế này sẽ làm thất bại mưu đồ của Trung Quốc. Ví dụ, ngay cả khi Bắc Kinh bỏ qua phán quyết của PCA, thi ngay tại những nơi mà Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép quy mô lớn, Bắc Kinh vẫn không thể ngăn chặn máy bay quân sự Mỹ bay ngang qua không phận quốc tế liền kề đó.
Thứ ba, việc thiết lập ADIZ phải tuân theo thủ tục thông báo và phối hợp. Công ước Chicago yêu cầu phải có sự thông báo và hợp tác kịp thời trước khi thiết lập khu vực an ninh nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hàng không dân dụng. Thêm vào đó, các thủ tục được sử dụng để xác định, định vị và kiểm soát máy bay trong ADIZ cũng tương tự như được sử dụng bởi các quốc gia có thẩm quyền theo Công ước Chicago trong việc cung cấp dịch vụ không lưu trong không phận quốc tế. Trong trường hợp ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập mà không có bất kỳ thông báo nào cho các quốc gia trong khu vực. Tương tự, một ADIZ chồng lấn với các khu vực không lưu sẵn có ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ dẫn đến những tình huống bất ngờ, tính toán sai lầm, và các mối đe dọa vũ lực chống lại các hãng thương mại. Và không ai khác, chính Trung Quốc phải chịu hậu quả cho việc này.
Đảo nhân tạo phi pháp trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tạo cơ sở cho Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Thứ tư, các quốc gia thường có ý định áp dụng ADIZ cho cả các chuyến bay dân sự và nhà nước. Sau sự cố chuyến bay thương mại mang số hiệu 007 của hãng hàng không Korean Airlines bị một máy bay quân sự Liên Xô bắn hạ, khiến 269 người thiệt mạng, Công ước Chicago đã được sửa đổi, trong đó quy định rõ ràng về việc cấm sử dụng vũ khí chống lại các chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, việc xác định liệu một chuyến bay đủ tiêu chuẩn là "máy bay nhà nước" hay "máy bay dân sự" là chủ đề cần làm sáng tỏ và nhất quán để áp dụng. Chính điều này đã dẫn đến tranh cãi về khả năng bảo vệ của Công ước Chicago cho các chuyến bay cụ thể trong không phận quốc tế. Sau khi thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã trấn an các hãng hàng không thương mại rằng các chuyến bay thông thường sẽ không bị gián đoạn. Tuy nhiên, ngày 25/7/2015, Trung Quốc đã buộc chuyến bay QV916 của hãng Lao Airlines phải quay trở lại. Một ADIZ ở Biển Đông sẽ chỉ càng tăng nguy cơ gây hỗn loạn và rối loạn liên lạc, làm cản trở một trong những tuyến vận chuyển lớn nhất thế giới.
Thứ năm, các quốc gia thực thi ADIZ thông qua việc đánh chặn quân sự cuối cùng sẽ dẫn đến sự đe dọa hoặc áp dụng vũ lực đối với các máy bay không tuân thủ. Tháng 9/2015, Mỹ và Trung Quốc từng ký kết một thỏa thuận về các quy tắc an toàn hàng không và hàng hải, tránh xung đột giữa các máy bay quân sự, bao gồm cả thủ tục đánh chặn. Tuy nhiên, tài liệu này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, cũng không áp dụng cho bên thứ ba. Trung Quốc sẽ thực thi ADIZ ở Biển Đông như thế nào? Ở khu vực ADIZ trên Hoa Đông, các máy bay Trung Quốc đã vi phạm các chuẩn mực quốc tế, gây nguy hiểm cho các máy bay do thám quân sự Nhật Bản. Không còn gì phải bàn cãi, một tai nạn hoặc sự cố liên quan đến việc đánh chặn của quân đội Trung Quốc sẽ trái với cam kết tự kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Thứ sáu, mặc dù ADIZ có phạm vi rộng rãi hơn, luật pháp quốc tế cũng đã quy định rõ ràng về các thông số quan trọng về phạm vi. Ví dụ, vùng tiếp giáp ADIZ của Mỹ kéo dài hơn 400 dặm ở Thái Bình Dương và đã diễn ra trong hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, ngay cả ADIZ của Mỹ cũng không thể can thiệp vào quyền tự do hàng hải hoặc vượt quá thẩm quyền chức năng hàng hải theo quy định của UNCLOS. Một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng EEZ cũng không thể tạo ra quyền bảo mật mới, liên quan đến không phận quốc tế.
Quan trọng hơn, phạm vi của một ADIZ phải được đo bởi các nguyên tắc của tự vệ: Là khu vực được bao quát và không gian không xác định của khu vực cần thiết, đồng thời tỷ lệ thuận với các mối đe dọa thực tế? Như Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin gần đây thừa nhận, việc thiết lập ADIZ phụ thuộc vào các mối đe dọa. Như vậy, một ADIZ sẽ trở thành ranh giới giả để bao bọc Biển Đông trong hỗn loạn.
Lê Huyền (The Diplomat)