Các nhà khoa học vừa phát hiện ra ước tính có khoảng 80 triệu con cá mập chết vì bị đánh bắt mỗi năm, bất chấp các quy định toàn cầu nhằm bảo vệ chúng khỏi bị lấy vây.
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 11 tháng 1 trên tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ năm 2012 đến năm 2019 – khi luật bảo vệ cá mập khỏi bị lấy vây tăng gấp 10 lần – và nhận thấy rằng tỷ lệ cá mập tử vong hàng năm đã tăng từ 76 triệu vào năm 2012 lên hơn 80 triệu vào năm 2017. Trong đó có 25 triệu (hơn 30%) là các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu nghề cá từ 150 quốc gia và vùng biển khơi, cũng như sử dụng mô hình máy tính và phỏng vấn các chuyên gia - bao gồm các nhà khoa học, chính phủ, những người ủng hộ môi trường và ngư dân - để kiểm tra ước tính của họ.
Tác giả chính Boris Worm, nhà sinh thái học biển tại Đại học Dalhousie ở Canada, nói với Live Science: “Chúng tôi đã cố gắng chủ động nhất có thể để có được dữ liệu chất lượng cao nhất”. "Tôi không nghĩ có ai từng xem xét câu hỏi này ở quy mô này."
Đánh bắt quá mức là mối đe dọa lớn đối với cá mập, chúng thường bị nhắm đến để lấy vây hoặc vô tình bị giết do đánh bắt không chủ đích. Nhưng nghiên cứu tiết lộ rằng luật ngăn chặn việc lấy vây cá mập không làm giảm số lượng cá mập bị giết mà thậm chí có thể khiến con số này tăng lên.
“Đó là một mối lo ngại lớn, bởi vì cứ ba loài thì có một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng”, Worm nói.
Sự gia tăng tổng thể phần lớn là do các điểm nóng về tỷ lệ tử vong ở vùng nước ven biển. Nghiên cứu cho thấy cá mập tử vong ở ven biển tăng 4%. Đồng tác giả nghiên cứu Laurenne Schiller, nhà khoa học bảo tồn nghề cá tại Đại học Carleton ở Canada, nói với Live Science: “Thay vì chỉ cắt vây cá mập như trước, giời đây ngư dân đã săn cả con”.
Điều này có thể đã khiến các thị trường mới về thịt cá mập mở ra. Cô nói: “Nhu cầu mới về thịt cá mập khiến việc đánh bắt cá mập ở một số nơi tăng cao”.
Sự gia tăng tỷ lệ tử vong của cá mập tương quan với sự gia tăng giá trị của việc buôn bán cá mập. Một báo cáo của WWF dựa trên cùng kỳ (2012-2019) ước tính rằng hoạt động buôn bán thịt cá mập và cá đuối toàn cầu có thể trị giá 2,6 tỷ USD. Trước đó, thị trường này ước tính trị giá 157 triệu USD vào năm 2000, tăng lên 379,8 triệu USD vào năm 2011.
Tỷ lệ tử vong khi đánh bắt xa bờ giảm 7%. Schiller cho biết, nghề đánh cá xa bờ “từng được coi là thủ phạm chính gây ra tình trạng săn lùng vây cá mập”, nhưng hiện nay những tàu này không còn được phép giữ lại một số loài nhất định trên tàu. “Điều đó có nghĩa là cá mập có thể bị bắt nhưng nếu được thả ra, chúng có cơ hội sống sót”, cô nói.
Các tác giả nói với Live Science rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ cá mập bằng cách nhắm trực tiếp đến tỷ lệ tử vong. Các biện pháp bao gồm cấm đánh bắt cá mập, thực thi các giới hạn đánh bắt dựa trên cơ sở khoa học, bảo vệ các khu vực quan trọng và chứng minh giá trị của cá mập sống.
Schiller cho biết mọi người có thể giảm tác động của chính mình đối với cá mập bằng cách lưu tâm đến hành động của bản thân - ví dụ: không mua quà lưu niệm răng cá mập, từ chối ăn cá mập (có thể bị dán nhãn sai, nhưng đôi khi cũng có thể được liệt kê dưới các tên khác, chẳng hạn như huss hoặc cá hồi đá) và tránh các loại mỹ phẩm sử dụng squalene có nguồn gốc từ cá mập.
“Đó là một vấn đề có thể giải quyết được,” Worm nói. “Nhưng đó là một vấn đề thực sự cần được giải quyết ngay bây giờ, vì cá mập không còn nhiều thời gian nữa”.