Sai lầm khi ngâm rau sống với nước muối
Rau sống chỉ các loại rau có thể ăn trực tiếp, không qua chế biến. Những loại rau thường ăn sống như diếp cá, kinh giới, rau răm, tía tô, húng quế, xà lách, rau mùi, kèo nèo, rau nhúc, dừa nước...
Các loại rau gia vị, rau sống còn cung cấp cho cơ thể các vitamin (C, A, E…) cùng chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ rau sống rất lớn.
Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), hành động ngâm rau củ quả với nước muối chỉ có tác dụng gây ức chế hoặc diệt vi khuẩn một cách chừng mực chứ không phải cứ cho vào nước muối là tự động hóa chất độc hại trong thực phẩm sẽ bị loại bỏ.
Việc ngâm rau củ quả với nước muối quá lâu có thể gây mất chất, rau bị dập nát, khi nấu lên rau bị mất độ ngon. "Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau củ quả được ngâm rửa kiểu này sẽ bị hao hụt đáng tiếc. Ngoài ra, hành động ngâm rau củ trong nước quá lâu còn gây hại cho sức khỏe, chất bẩn có nguy cơ thẩm thấu ngược lại", ông Thịnh cho hay.
PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho rằng, ngâm rau củ quả với nước muối để sạch hơn chỉ là kinh nghiệm dân gian.
"Cho đến hiện tại cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định nước muối có thể diệt được trứng giun sán, vi khuẩn... chứ đừng nói đến việc loại bỏ hóa chất ra khỏi rau củ quả như nhiều người đang nghĩ", chuyên gia khẳng định.
Cách chế biến rau sống an toàn
Theo giới chuyên gia, tốt nhất với rau củ quả khi mua về, đem nhặt sạch... sau đó rửa bằng nước sạch nhiều lần. Nên rửa khoảng 4-5 lần nước sạch.
Chị em cần chú ý nên dùng chậu nhiều nước để loại bỏ đất cát tốt hơn. Sau đó có thể rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần sẽ hữu ích cho việc rửa trôi bụi bẩn và hóa chất. Sau khi rửa sạch, bạn nên gọt vỏ củ quả - đây là bước vô cùng quan trọng để loại bỏ bụi bẩn, hóa chất.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng, rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh để loại bỏ hóa chất tồn dư, ký sinh trùng, trứng giun sán bám trên rau. Khi rửa rau, bạn nên rửa lần lượt từng lá.
Để phòng nhiễm ký sinh trùng từ rau sống, vị chuyên gia khuyến cáo tốt nhất bạn không nên ăn rau sống, nhất là khi đi ăn ở hàng quán, địa điểm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không dùng xà phòng, chất tẩy rửa, chất tẩy trắng: Các chất này có thể xâm nhập vào sản phẩm. Không có gì có thể đảm bảo các chất này giúp làm cho trái cây và các loại rau sạch hơn cách thức rửa khác
Rửa thật kỹ: Hãy chắc chắn rằng sau khi rửa thì rau củ quả sạch sẽ, không còn nếp nhăn và các đường nứt còn sót lại bên ngoài, loại bỏ các phần bị hư hỏng, và lá bên ngoài…
Lau khô trái cây và rau: Dùng khăn giấy sạch để lau khô trái cây nhằm loại bỏ các vi khuẩn còn sót lại sau khi rửa.
Cách giúp giảm nhẹ thuốc trừ sâu
- Ngâm rau trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.
- Dùng nước muối 5% rửa rau.
- Dưa chuột, cà tím hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.
- Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.
- Ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.