Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết nước này đang đóng cho Việt Nam 12 tàu tuần tra theo thỏa thuận gói tín dụng 100 triệu USD song không tiết lộ thời điểm bàn giao.
"Dự án Ấn Độ đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam đang được tiến hành. Gói này trị giá 100 triệu USD", ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết bên lề buổi toạ đàm "Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác" tổ chức sáng 21/9 tại Hà Nội.
12 tàu tuần tra này nằm trong gói tín dụng 100 triệu USD Ấn Độ dành cho Việt Nam dùng cho lĩnh vực quốc phòng được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi năm 2016. Tuy nhiên Đại sứ không cho biết khi nào Việt Nam sẽ nhận bàn giao các tàu nói trên.
Đầu tuần tới, hai tàu hải quân của Ấn Độ sẽ cập cảng Hải Phòng trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam. Nhân dịp này đại diện Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp hai bên cũng sẽ bàn về hợp tác đóng tàu hải quân và thảo luận về lĩnh vực hàng hải.
Xuồng tuần tra lớp Super Dvora của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia |
Trước khi Đại sứ Harish Parvathaneni xác nhận việc này, chuyên gia Ankur Gupta, thuộc công ty tư vấn toàn cầu Ernst and Young, cấu hình tàu tuần tra của GRSE đóng cho Việt Nam đã được chốt.
Theo nguồn tin này, loại tàu tuần tra đang được đóng dài khoảng 37m, rộng 10m, lượng giãn nước 140 tấn và có thân nhôm chuyên dụng, được sử dụng để tuần tra các vùng biển gần bờ.
Hồi đầu năm 2014, hãng đóng tàu Goa Shipyard đã giới thiệu mô hình tàu tuần tra biển (OPV) dài 75 m chuyên dành cho xuất khẩu tại triển lãm Defexpo 2014 ở New Delhi, Ấn Độ.
Theo một đại diện của hãng này, tàu mới được phát triển cho mục đích chính là xuất khẩu (mà truyền thông phương Tây dự đoán nhiều khả năng sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam) và được thiết kế dựa trên lớp tàu tuần tra dài 105m Saryu hiện đang phục vụ trong Hải quân Ấn Độ.
Thiết kế tàu tuần tra mới nhất của Goa Shipyard đạt chiều dài 75m, có thể tham gia tuần tra, tìm kiếm cứu nạn và thực hiện quyền hành pháp trong mọi điều kiện cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, thiết kế phần đuôi tàu còn có một bãi đáp cho trực thăng nặng 5,5 tấn có thể cất, hạ cánh để hỗ trợ cho các hoạt động giám sát tầm xa.
Tàu được lắp một ụ pháo 76mm, 2 hệ thống pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630 ở trên nóc nhà chứa trực thăng, cùng một số tùy chọn lắp đặt vũ khí khác, bao gồm cả 8 tên lửa chống hạm lắp ngay sau tháp pháo.
Lê Huyền (tổng hợp)