Hãng thông tấn Mỹ AP vừa có bài bình luận về sự tiếp tục gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, khi Trung Quốc đe dọa những nước hàng xóm nhỏ hơn và yếu hơn về mặt quân sự, áp tuyên bố lên một dãy các đảo, rặng đá và đầm phá như là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vùng đông đúc nhất về giao thương trên biển, nơi có nguồn tài nguyên cá dồi dào cũng như khí đốt và trữ lượng dầu mỏ tiềm năng đã trở thành điểm nóng của các cường quốc trên thế giới.
Những hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên Rặng Mischief ở quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh đó, Mỹ đã tăng áp lực lên Trung Quốc. Mỹ bắt đầu công khai và nhanh chóng thách thức những tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc lên hơn nửa tá đảo nhân tạo mà Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng bằng cách cải tạo đất quy mô lớn.
Vào ngày22/5, một chiếc máy bay do thám P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ - phiên bản quân sự của máy bay Boeing 737 xuất phát từ căn cứ không quân Clark của Philippines bay lên trên Rặng Chữ thập và Rặng Mischief ở Biển Đông mà Trung Quốc đã chiếm trái phép từ giữa những năm 1990 và cuối thập kỷ 1980, và hiện đang được mở rộng quy mô.
Những hình ảnh vệ tinh cho thấy công trình đường băng, cảng biển, các doanh trại và nhà máy xi măng cùng nhiều công trình xây dựng khác. Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đã đặt hai xe pháo lớn lên một hòn đảo.
Trong một video của CNN mà một phóng viên báo này có mặt trên máy bay, Trung Quốc đã cảnh báo máy bay Mỹ rời khỏi khu vực 8 lần nhưng các phi công Mỹ đã phản hồi bằng việc nói rằng họ tuân theo luật pháp quốc tế.
Mỹ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc lên các hòn đảo ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải lên vùng biển quốc tế. Các quan chức Mỹ quan ngại Trung Quốc có thể dùng những hòn đảo này để củng cố những tuyên bố của họ và họ sẽ có lợi thế trong việc đe dọa và sử dụng vũ lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter |
Washington có thể sử dụng thêm các chuyến bay quân sự và tuần tra hải quân đi vào vùng 12 hải lý của các đảo này – thông số Trung Quốc coi đó là vùng biển của họ.
Tàu chiến bờ biển USS Fort Worth cùng với các tàu hiện đại nhất của hải quân Mỹ đã hoàn thành các cuộc tuần tra trên Biển Đông vào tháng Năm. Các tàu này đã chạm trán với các tàu hải quân Trung Quốc, nhưng không xảy ra tai nạn, theo các quan chức quân đội Mỹ.
Thuyền trưởng Fred Kacher của đội tàu khu trục nói rằng, những hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông “sẽ trở nên bình thường” khi 4 tàu chiến ven biển dự kiến sẽ được triển khai ở vùng biển này trong thời gian tới.
Đáp trả lại, Trung Quốc cho biết, họ “thực sự quan ngại” về khả năng Mỹ bắt đầu việc tuần tra gần các quần đảo họ tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông.
Phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nói rằng tự do hàng hải không có nghĩa là các máy bay và tàu chiến nước ngoài có thể tùy ý đi vào vùng biển chủ quyền hay không phận của nước khác.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun so sánh việc xây đảo với những công trình xây dựng bình thường khác, rằng những hoạt động này được thiết kế cho cả mục đích quân và dân sự.
Tàu khu trục tên lửa Yulin của Trung Quốc bắn súng chống hạm trong một cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh do hãng Xinhua News công bố, ngày 24/5 |
Ông Jang nói, vấn đề này đã bị làm nóng bởi các hoạt động tăng cường do thám và nỗ lực “có tính toán để thổi phồng vấn đề nhằm bôi nhọ quân đội Trung Quốc và tăng căng thẳng trong khu vực.”
Hãng Hoàn cầu Thời báo còn cảnh báo Washington không nên thử thách sự kiềm chế của Bắc Kinh hay Trung Quốc sẽ “không có lựa chọn nào khác ngoài tham gia vào vụ việc.”
Trong báo cáo mới về chiến lược quân sự của họ, Trung Quốc còn trắng trợn thêm hoạt động “bảo vệ vùng biển mở” vào việc “bảo vệ vùng biển ngoài khơi” của họ.
Mỹ và Trung Quốc có thể bất đồng trên Biển Đông, song hai quốc gia quyền lực khó có thể mở ra một cuộc đụng độ, hãng tin tức AP viết.
Thay vào đó, Biển Đông có thể trở thành nơi diễn ra một cuộc đối đầu theo kiểu Chiến tranh Lạnh, ví dụ như các cuộc áp sát máy bay quân sự hay một cuộc chạm trán hải quân, trong khi Mỹ cảnh báo những nước đồng minh (Philippines) hay tìm kiếm những đối tác mới trong khu vực, là Việt Nam.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng Năm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc xây đảo của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói tại Hội nghị an ninh Shangri-La : “Biến một rặng đá ngầm thành một sân bay đơn giản là không đủ quyền hạn để khẳng định chủ quyền hay được phép hạn chế về vận chuyển hàng hải hay không phận quốc tế.”
Theo Chi MK/AP