Trung Quốc hôm 11/3 đã tỏ thái độ tức giận sau khi Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đại diện cho hiệp hội thẳng thừng bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn tại Biển Đông của Bắc Kinh.
Trong một phát biểu với nhật báo Philippines Manila Times vào 4/3, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dùng để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, sự hội nhập của toàn khối Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra “bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào” trong khu vực.
Trong một phản ứng muộn màng khác thường, Reuters ngày 11/3 dẫn lời ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới lên tiếng phản đối với những lời lẽ gay gắt.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết ASEAN bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dùng để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông
Theo ông Hồng, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh "đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố không phù hợp với thực tế hoặc không phù hợp với vị trí của ông" về tình hình Biển Đông.
Hồng Lỗi cho rằng hiệp hội ASEAN không phải là một bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và đòi hỏi một cách vô lý rằng ông Minh cần giữ tính chất trung gian của tổ chức khu vực này.
Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông luôn được thảo luận tại các hội nghị cấp cao của ASEAN và ASEAN mở rộng trong đó Trung Quốc có được mời tham dự. Lãnh đạo các nước ASEAN từ trước đến nay luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong khi đó Trung Quốc đã ký với ASEAN Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Hai bên cũng đang xúc tiến việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC). Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với nhiều thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trung Quốc đã đưa ra cái gọi là "đường 9 đoạn" nhằm đòi kiểm soát hầu hết khu vực Biển Đông
Cũng trong ngày 11/3, diễn đàn thảo luận thường niên song phương ASEAN - Ấn Độ mang tên Đối thoại Delhi (Delhi Dialogue) đã mở ra và sẽ kéo dài trong hai ngày.
Theo báo chí Ấn Độ, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận rằng nhân hai ngày họp, ngoài các vấn đề kinh tế, ASEAN và Ấn Độ cũng sẽ thảo luận về một kiến trúc an ninh khu vực và hồ sơ Biển Đông, với những vấn đề như an ninh trên biển, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.
Theo ông Shri Lalduhthlana Ralte - Đại sứ Ấn Độ tại Manila (Philippines), "quan điểm của chúng tôi là trong loại tranh chấp này, các nước có yêu sách chủ quyền phải tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế theo đó các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình. Chúng ta phải chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế".
Phát biểu với Manila Times, ông Ralte xác định rằng New Delhi, cũng như Philippines, cho rằng phương thức khả thi và hiệu quả nhất để giải quyết các tranh chấp là đưa vấn đề ra trước trọng tài quốc tế.
Yên Yên (tổng hợp)