Gần 1 tuần qua, câu chuyện về bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 17 ở Việt Nam tưởng chừng đã rơi vào quên lãng từ lâu, nhưng đã được tờ The New Yorker khơi dậy mới đây.
Trong bài viết của mình, tờ tạp chí của Mỹ đưa thông tin BN 17 đã bị tổn thương khi phải hứng chịu những sự chỉ trích, kỳ thị trên mạng xã hội. Bài báo cho rằng trường hợp của BN 17 được công khai với dư luận khiến cô này nhận nhiều chỉ trích.
Trước những thông tin không chuẩn xác này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã có những phản hồi về trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 số 17, Theo CDC Hà Nội, BN 17 được xác định là ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội, phát hiện vào ngày 6/3. Bệnh nhân có địa chỉ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
Thời điểm phát hiện ca bệnh số 17 và các ca liên quan, gần như "cả Hà Nội không ngủ". Ngay trong đêm, cả đoạn dài phố Trúc Bạch đã bị phong tỏa và Bệnh viện Hồng Ngọc cũng phải tạm dừng hoạt động, nhiều y, bác sỹ bị cách ly.
Sau đó tại cộng đồng là chuỗi ngày, lực lượng y tế các đơn vị trên địa bàn Hà Nội phải tập trung điều tra truy vết các trường hợp F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân số 17, mà bệnh nhân ấy đã không khai báo ngay từ đầu.
Trước đó, bệnh nhân số 17 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Italy, tuy nhiên khi về nước đã khai báo không trung thực.
Trao đổi với Infonet, lãnh đạo một bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm cho rằng, trước đây Thủ tướng đã chỉ đạo việc cân nhắc xử lý những người vi phạm trong vụ dịch. Bệnh nhân này, có lẽ do đã nhận sự trừng phạt nặng nề từ dư luận nên cô ta đã thoát được việc bị xử lý.
Thế nhưng, thông qua bài viết về việc phòng chống dịch, chữa trị BN số 17, ông đang quan sát việc những người có trách nhiệm sẽ xử lý hành vi không khai báo trung thực của cô này.
Trong khi đó, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh – Nguyên giám đốc TTYT Quận Hai Bà Trưng cũng nhắc lại, 'đúng là đêm hôm đó cả Hà Nội không ngủ', sau khi phát hiện ca bệnh số 17 và những ca liên quan.
Từng cả đêm cùng đồng nghiệp đi điều tra dịch tễ, lịch trình di chuyển của những bệnh nhân mắc COVID-19, để xác định người tiếp xúc tại thời điểm dịch bệnh ở Hà Nội căng thẳng nhất, bà Vân Anh còn nhớ mãi nhưng lo lắng khi cả phố Trúc Bạch buộc phải phong tỏa và cả Bệnh viện Hồng Ngọc đóng cửa với hàng loạt y bác sĩ bị cách ly.
Theo BS Vân Anh, COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, rất dễ lây nhiễm nếu không phòng hộ, chính vì vậy Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã có các khuyến cáo hạn chế đến vùng dịch, đeo khẩu trang phòng hộ và khai báo trung thực về lịch trình di chuyển, lịch sử dịch tễ để khẩn trương truy vết, bao vây, xử lý dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Tất cả mọi người đều hiểu đều lo lắng và tuân thủ nhưng đâu đó vẫn có những người không có ý thức, không có trách nhiệm và đã gây ra ảnh hưởng lớn cho cộng đồng, gây hậu quả cho xã hội.
"Tôi thấy buồn là khi sự việc đã qua đi, lòng người đã bao dung và dần quên thì người liên quan lại tung ra những thông tin sai sự thật", BS Vân Anh bày tỏ.