Theo hãng thông tấn Anh Reuters, Washington đang tiến dần đến dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, bắt đầu bằng thương vụ mua bán máy bay do thám P-3?
Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Washington muốn giúp Việt Nam củng cố khả năng giám sát và bảo vệ đường bờ biển. Trong đó, các máy bay do thám P-3 không được trang bị vũ khí có thể là một trong những mặt hàng đầu tiên.
Hai quan chức cấp cao của chính quyền ông Obama cho hay, những bàn bạc về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đang diễn ra ở Washington và kết quả có thể được công bố vào cuối năm nay.
Việt Nam sẽ mua máy bay do thám P-3 từ Mỹ?
Những động thái về kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vận đến sau khi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang dần được củng cố qua hai thập kỷ, được tăng cường bằng một loạt các cuộc họp quân sự và ngoại giao cấp cao giữa hai nước trong những tháng gần đây.
Hai lãnh đạo cấp cao trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ cho Reuters biết, họ hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận sớm. Một trong hai người nói: “Rất nhiều thảo luận về thương vụ bán vũ khí cho Việt Nam đã diễn ra. Đó là một thương vụ rất hứa hẹn đối với chúng tôi.”
Thượng nghị sĩ John McCain, một người có đóng góp lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh nói rằng, ông sẽ sớm đưa ra một đề nghị với hai đảng để dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc bán vũ khí.
Ông McCain là một trong số 4 thượng nghị sĩ Mỹ đã gặp các lãnh đạo Việt Nam và thảo luận về việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí vừa qua tại Việt Nam.
Vào tháng Tám, 6 ngày sau chuyến đi của thượng nghị sĩ, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã trở thành quan chức quân đội hàng đầu Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ năm 1971.
Tư lệnh hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng đã đến Mỹ vào tuần trước gặp Thư ký hải quân Ray Mabus và bàn về các cuộc tập trận hải quân chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh sẽ đến Washington vào đầu tháng Mười để gặp Ngoại trưởng John Kerry, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hael dự định đến Việt Nam trước khi kết thúc năm nay.
Vị trí chiến lược
Ông Russel, trợ lý phụ trách Đông Á của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói rằng vị trí chiến lược của Việt Nam là một lý do tốt để thắt chặt mối quan hệ thân thiết thêm với Hà Nội, rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí “không phải là một điều gì xấu cả.”
Ông nói: “Chúng tôi đang mở cửa và cân nhắc để giúp những nước như Việt Nam phát triển nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như năng lực về hàng hải, và hy vọng nhiều điều khác nữa cũng sẽ đến.”
Theo Reuters, Việt Nam là một đối tác lớn mua vũ khí từ Nga. Việt Nam đã sở hữu hai tàu ngầm hiện đại nhất và sẽ nhận chiếc thứ ba vào tháng 11 trong hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD với Nga vào năm 2009. Ba chiếc nữa sẽ được giao cho Việt Nam trong hai năm tới.
Việt Nam cũng đã mua các tàu khu trục và tàu hộ tống hạng nhỏ, phần lớn từ Nga.
Vì thế, các máy bay do thám P-3 sẽ là một hoàn thiện tiếp theo cho Việt Nam.
Có tất cả 435 chiếc P-3 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo đang hoạt động trên toàn thế giới tại 21 nước, theo trang web của nhà sản xuất Lockheed. Hải quân Mỹ đang chuyển sang dùng các máy bay P-8 tối tân hơn sản xuất bởi hãng Boeing.
Chuyên trang HIS Jane dẫn lời một lãnh đạo của Lockheed cho hay, Việt Nam có thể mua 6 chiếc P-3 và dường như sự ủng hộ của Mỹ cho thương vụ ngày đang ngày một tăng lên. Các quan chức Lockheed từ chối cho biết thêm chi tiết.
Các quan chức chính phủ Mỹ xem thương vụ mua thiết bị do thám hàng hải này như một khởi đầu tốt đẹp cho chương mới của mối quan hệ Mỹ-Việt và xem máy bay do thám P-3 như một “lựa chọn hợp lý”, một nguồn tin tức cho hay.
Theo Chi MK (Nguồn: Reuters/Người đưa tin)