Báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi tại Ukraine do trúng phải rất nhiều mảnh vỡ. Thủ tướng Malaysia và một số chuyên gia cho rằng điều đó nghĩa là máy bay đã bị bắn rơi từ mặt đất.
Vụ tai nạn xảy ra tại khu vực do phiến quân ủng hộ Nga kiểm soát, ở miền đông Ukraine ngày 17/7 khiến 298 người thiệt mạng, 2/3 trong số đó là người Hà Lan.
Ukraine và các nước phương Tây đã cáo buộc lực lượng phiến quân bắn hạ máy bay bằng một tên lửa tiên tiến do Nga chế tạo. Nhà lãnh đạo chính của phe nổi dậy đã lặp đi lặp lại những khẳng định mà họ đưa ra trước đó: lực lượng của ông không sở hữu loại vũ khí như vậy.
Bản báo cáo của Hà Lan cho biết MH17 bị rơi do trúng phải “số lượng lớn các đối tượng có năng lượng cao” thâm nhập vào thân máy bay. “Không có dấu hiệu cho thấy MH17 bị rơi do lỗi kỹ thuật hay do các hành động của phi hành đoàn”.
Theo Tim Ripley, một nhà phân tích quốc phòng tại tạp chí Defense Weekly, mặc dù báo cáo không đề cập tới một tên lửa, nhưng cụm từ “số lượng lớn các đối tượng có năng lượng cao” ám chỉ một đầu đạn hạt nhân “ở khoảng cách rất gần” đã tạo ra vụ nổ trên không và phóng các mảnh đạn vào mục tiêu của nó.
Đầu đạn hạt nhân này có thể được trang bị cho một số tên lửa, trong đó có tển lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất. Ukraine, các đồng minh phương Tây và cả Mỹ nói rằng rất có thể lực lượng ly khai đã vô tình bắn rơi máy bay bằng loại tên lửa này.
“Báo cáo sơ bộ cho thấy các đối tượng năng lương jcao thâm nhập vào máy bay và khiến nó nổ tung trên không”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết trong một tuyên bố.
Điều này dẫn tới nghi ngờ mạnh mẽ đó là một tên lửa đất đối không đã bắn hạ MH17, nhưng vẫn cần phải điều tra thêm trước khi chúng ta có thể chắc chắn”, ông Najib nói thêm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó: “Chúng ta cần cẩn thận khi rút ra kết luận quá nhanh. Từng bước một, các chuyên gia đang làm việc để đưa ra những kết luận không thể chối cãi”.
Báo cáo cuối cùng có lẽ phải chờ tới giữa năm 2015. Hà Lan đang tiến hành một cuộc điều tra khác có khả năng sẽ khởi tối hình sự đối với những kẻ tình nghi đã gây ra thảm kịch này.
Các nhà chức trách Nga từng đưa ra một giả thuyết khác đó là máy bay đã bị bắn hạ từ trên không. Tuy nhiên, báo cáo cho biết không có bất kỳ máy bay quân sự nào trong vùng lân cận tại thời điểm xảy ra vụ việc.
“Điều này phù hợp với khả năng máy bay bị tên lửa mặt đất bắn hạ”, Joris Melkert, giảng viên kỹ thuật hàng không vũ trụ tại ĐH Kỹ thuật Delft cho biết. “Cái gì có thể hạ gục vật thể bay với tốc độ cao và ở trên trời 10 km? Theo như tôi thấy, đó chỉ có thể là 1 tên lửa. Báo cáo (của Hà Lan) cho thấy chỉ có 3 máy bay khác trong vùng lần cận: 2 chiếc Boeing 777 và 1 chiếc Airbus A330, tất cả đều là máy bay dân sự khiến giả thuyết về tên lửa đất đối không càng có khả năng hơn”.
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17
Vùng chiến sự
Cuộc điều tra gặp khó khăn bởi vụ tai nạn diễn ra gần ranh giới giao tranh. Mặc dù một số thanh tra viên người Malaysia và các chuyên gia thu hồi thi thể người Hà Lan đã tiếp cận được khu vực nhưng chiến sự vẫn giữ chân các nha điều tra. Một lệnh ngừng bắn trong tuần này cuối cùng cũng khiến khu vực yên bình hơn.
“Ban đầu họ, người Hà Lan và Malaysia tới đây nhưng sau đó đã phải ngừng công việc lại vì giao tranh”, Vasily, một thợ mỏ đã nghỉ hưu gần khu vực này nói với Reuters. “Bây giờ lệnh ngừng bắn được thực thi, mọi thứ đã bình yên trở lại”.
Hầu hết các mảnh vỡ vẫn còn nằm trên những cánh đồng lúa mì và hoa hướng dương của Ukraine. Chỗ ngồi, hành lý, quần áo, đồ chơi, túi thư của hành khách vẫn còn nằm rải rách quanh khu vực làng Grabovo trong ngày 9/9.
Hình ảnh chi tiết của đống đổ nát trong báo cáo cho thấy rất nhiều vết đạn. “Có những yếu tố chúng tôi rất quan tâm. Buồng lái là quan trọng nhất bởi có rất nhiều đối tượng đã xâm nhập vào buồng lái”, ông Tjibbe Joustra, người đứng đầu Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết. Ông nói thêm rằng các dụng cụ ghi dữ liệu của máy bay đã không ghi lại được điều gì.
Kết quả nghiên cứu ban đầu dựa trên những dữ liệu ra ra từ máy ghi âm buồng lái, máy ghi dữ liệu chuyến bay, các hình ảnh vệ tinh và hình ảnh khách, thông tin từ radar. Ông Joustra nói rằng các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp vào các máy ghi dữ liệu chuyến bay vốn đã được lực lượng phiến quân thu hồi và chuyển cho Malaysia.
Kiev và các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ nói rằng lực lượng phiến quân dưới sự hỗ trợ của Nga và 1 tên lửa BUK – hệ thống tên lửa tiên tiến có tầm bắn đủ để hạ một máy bay dân sự.
Lực lượng ly khai đã bác bỏ việc sở hữu tên lửa, mặc dù một lãnh đạo của họ đã nói với Reuters hồi tháng 7 rằng họ thực sự đã hạ một máy bay. Moscow cũng phủ nhận việc hỗ trợ vũ khí cho phiến quân Ukraine.
“Tôi có thể nói một điều duy nhất. Chúng tôi không có thiết bị (quân sự) để có thể bắn hạ một chiếc Boeing chở khách, kể cả chiếc máy bay của Malaysia”, Alexander Zakharchenko, lãnh đạo lực lượng phiến quân thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Donest tự xưng nói.
Sau vụ tai nạn một ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “bằng chứng cho thấy chiếc máy bay đã bị một tên lửa đất đối không bắn hạ và nó được bắn đi từ khu vực do phiến quân được Nga hậu thuẫn kiểm soát, bên trong Ukraine”.
Báo cáo của Hà Lan là “sự nối tiếp ban đầu, tạm thời trong sự kiện này” và có thể phải mất thêm 1 năm nữa thì báo cáo cuối cùng mới được kết luận, Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết.
Gần 2 tháng sau khi thảm kịch MH17 xảy ra, báo cáo của Hà Lan được đưa ra theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Và vẫn cần thêm thời gian để đi đến kết luận cuối cùng bởi vụ MH17 là vô cùng phức tạp.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo Reuters)