(Tinmoi.vn) Hôm 13/5, tờ Washington Post của Mỹ có bài viết nhận định giàn khoan trái phép mà Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là thách thức cơ bản đối với trật tự thế giới.
Tờ báo uy tín của Mỹ cho rằng, việc đặt giàn khoan trị giá 1 tỷ USD và có kích cỡ bằng một sân bóng trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chỉ vài tuần sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama cũng đồng nghĩa rằng Trung Quốc đã đặt thêm một cột mốc mới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông và thách thức Chính sách tái cân bằng ông Obama tại châu lục này.
WP khẳng định giàn khoan HD-981 ở cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này theo luật quốc tế.
Giàn khoan trái phép HD-981 và đội tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép cùng đội hậu thuẫn hùng hậu hơn 80 tàu, tiến hành đâm và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam không chỉ vi phạm chủ quyền quốc gia mà còn là hành động hết sức nguy hiểm.
Theo WP, thông điệp trong động thái mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông vừa đơn giản vừa khiêu khích: Chính quyền của ông Tập Cận Bình đơn phương khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông mà không thèm đếm xỉa đến các nước khác. Giàn khoan Hải Dương-981 là một thách thức cơ bản đối với trật tự quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã không ít lần tham gia đàm phán với các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển. Cách đây vài tháng, Trung Quốc thậm chí còn ngang ngược đề nghị khai thác dầu khí chung với Việt Nam.
Tờ WP đánh giá việc hạ đặt giàn khoan dường như phản ánh sự tính toán của Trung Quốc cho rằng một chính sách hung hăng sẽ ít gặp phải sự phản kháng đáng kể từ Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc. Mục tiêu chính của chiến dịch này là Việt Nam.
Tuy nhiên, trái với dự đoán từ phía Trung Quốc, ban lãnh đạo Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái "gây hấn", xâm phạm chủ quyền biển đảo trắng trợn này. Hàng chục tàu Việt Nam đã được điều ra để ngăn chặn giàn khoan Trung Quốc và va chạm với tàu thuyền Trung Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thừng lên án "hành động cực kì nguy hiểm" này của Trung Quốc. Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế theo công ước về Luật biển. Nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ lẩn tránh vụ kiện và tiếp tục hành động đơn phương trong khu vực cho đến khi gặp phải sự kháng cự tập thể, có thể là ngoại giao hoặc quân sự.
Yên Yên (Theo Washington Post)