Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (tức “bầu” Hiển) là cái tên đầu tiên bày tỏ tham vọng muốn thay thế Nhà nước nắm giữ toàn bộ cổ phần tại Cảng Quảng Ninh sau khi Vinalines thông báo đề xuất thoái toàn bộ 98% vốn điều lệ mà Nhà nước đang nắm giữ tại đây.
Theo tin tức trên báo Đầu Tư, các nhà đầu tư đang rất quan tâm việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa chính thức trình lại Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh.
Theo đó, điểm nhấn quan trọng nhất của phương án thoái vốn mới tại doanh nghiệp cảng biển lớn thứ hai ở khu vực phía Bắc là việc Vinalines đề xuất thoái toàn bộ 98,02% vốn điều lệ tại Cảng Quảng Ninh (tương đương 49.060.387 cổ phần) thay vì tiếp tục giữ 51% vốn điều lệ như phương án được chính đơn vị này đề xuất vào tháng 11/2014.
Theo các chuyên gia, đợt thoái vốn này được đánh giá là có quy mô lớn nhất và triệt để nhất kể từ khi Vinalines được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT “bật đèn xanh” để mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển.
Có đến 99% khả năng cổ phần Cảng Quảng Ninh được Nhà nước thoái vốn trong đợt này sẽ được dành cho nhà đầu tư trong nước do vị trí đặc biệt quan trọng tới an ninh - quốc phòng mà cảng biển vùng Đông Bắc này nắm giữ.
Tập đoàn của bầu Hiển có ý định thâu tóm Cảng Quảng Ninh.
Thông tin trên Vnexpress cũng cho hay, nhà đầu tư nội sẵn sàng mua lại hơn 49 triệu cổ phần Nhà nước đang nắm giữ là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, thường được biết đến với tên gọi Bầu Hiển. T&T đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến Cảng Quảng Ninh từ gần một năm qua khi đã nhiều lần làm việc với Vinalines cũng như trực tiếp tìm hiểu hoạt động kinh doanh của cảng biển lớn thứ hai tại miền Bắc.
Hơn 5 tháng trước, Bầu Hiển đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông vận tải chính thức đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh.
Quyết tâm này được tái khẳng định hồi tháng trước khi ông chủ T&T và Ngân hàng SHB muốn thay thế Nhà nước làm cổ đông chi phối tại đây dưới hình thức chỉ định, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý.
Việc đang là đối tác duy nhất đến thời điểm này giúp T&T có nhiều lợi thế để trở thành cổ đông chi phối Cảng Quảng Ninh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một khi phương án thoái toàn bộ vốn, trong đó có hình thức đấu giá công khai được thông qua thì khả năng công ty của Bầu Hiển có thêm đối thủ là điều rất dễ xảy ra.
Khối tài sản khổng lồ của bầu Hiển
Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là một đại gia ngân hàng có tiếng. Tên tuổi ông gắn liền với ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB). Tại SHB, bầu Hiển là người có tiếng nói lớn khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cùng với chức vụ, sức mạnh của bầu Hiển càng được củng cố khi ông nắm giữ lượng cổ phiếu không hề nhỏ. Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014, tại thời điểm cuối năm, bầu Hiển nắm giữ gần 26,7 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng 3,01% vốn SHB. Theo thị giá SHB ngày 29/1, số cổ phiếu này trị giá 248 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài số lượng cổ phiếu nói trên tại SHB, một số công ty khác liên quan đến bầu Hiển cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu SHB như Công ty CP Tập đoàn T&T nắm giữ trên 60,7 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng tỉ lệ 6,85%; Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu hơn 22,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,54% và Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) có gần 777.000 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 0,09%.
Như vậy, bầu Hiển cùng các cá nhân và tổ chức liên quan đang sở hữu hơn 123,56 triệu cổ phiếu SHB, chiếm gần 14% vốn điều lệ 8.866 tỉ đồng của ngân hàng này. Theo thị giá cổ phiếu SHB ngày 29/1, thì giá trị tài sản của Bầu Hiển đạt đến con số nghìn tỷ đồng.
Đang là một cán bộ làm khoa học, năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển là một trong số ít người bạo gan bỏ biên chế ở Viện nghiên cứu khoa học ra lập doanh nghiệp tư nhân. Sau 20 năm, ông là Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán.
Đại gia Đỗ Quang Hiển
Năm 1993, T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.
Nhưng thời gian này không kéo dài lâu, bởi ông Hiển muốn làm ăn lớn hơn. Vào thời điểm những năm 1999-2000, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp, ông tiếp tục thay đổi hướng kinh doanh cho mình.
Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông Hiển cũng góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của ngân hàng này.
Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.
Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao.
Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank đang gặp khó khăn. Việc sáp nhập tạo ra một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn những cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc giải quyết những khoản nợ xấu trước đây của Habubank.
Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009. Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào.
Được biết, Bầu Hiển ngoài chức vụ Chủ tịch của SHB, ông còn làm lãnh đạo ở các công ty, doanh nghiệp khác như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT SHF, SHS và một số công ty khác như: Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), Công ty bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Công ty CP T&T Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco)...
Ngoài ra, ông Đỗ Quang Hiển còn là chủ của đội bóng SHB Đà Nẵng, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, Uỷ Viên mặt trận tổ quốc Việt Nam…
Bảo An (tổng hợp)