Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng cáo buộc Mỹ "qua cầu rút ván" sau khi Washington tiến hành trừng phạt kinh tế do những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Truyền thông Mỹ ngày 15/7 đưa tin, do thất vọng với cách làm xử lý vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt mới đối với một số công ty và ngân hàng nhỏ của Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên trong vài tuần tới.
Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao Mỹ, tổ chức sẽ phải gánh chịu đòn trừng phạt là công ty Shell và các tổ chức tài chính nhỏ liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong khi các tổ chức ngân hàng lớn hơn của Trung Quốc tạm thời "an toàn".
Có nguồn tin nói với hãng Reuters của Anh rằng thời cơ và quy mô trừng phạt của Mỹ sẽ tùy thuộc rất lớn vào "phản hồi" của Trung Quốc trong Đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ vào ngày 19/7/2017 và Trung Quốc có áp dụng biện pháp cứng rắn hơn đối với Triều Tiên hay không.
Tổng thống Donald Trump ngày càng nản với sự hời hợt của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: NY Times |
Theo nguồn tin này, Tổng thống Mỹ đang mất lòng tin đối với Trung Quốc, sẽ có nhiều biện pháp cứng rắn hơn trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc.
Phản ứng lại thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc luôn thực hiện toàn diện, nghiêm túc nghị quyết về Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và cáo buộc sự trừng phạt của Mỹ là hành động "qua cầu rút ván".
"Trung Quốc đã ủng hộ thông qua dự thảo nghị quyết liên quan đến Triều Tiên của Hội đồng Bảo an. Nếu trước khi thông qua dự thảo nghị quyết, tìm sự giúp đỡ và hợp tác của Trung Quốc, mà sau khi nghị quyết được thông qua lại tiến hành trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc, thì đây không phải là 'qua cầu rút ván' ư? Trung Quốc thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an, chứ không phải luật pháp của một số nước".
Sputnik dẫn lời một chuyên gia Nga cho rằng, việc Mỹ tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên chính là để hoàn thành việc triển khai chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ không đáng một mình hứng chịu trách nhiệm trong giải quyết xung đột hạt nhân tại Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tố Mỹ qua cầu rút ván, đâm sau lưng. Ảnh: Reuters |
"Trung Quốc không thể bị đổ lỗi cho sự leo thang căng thẳng hiện nay, và Trung Quốc cũng không giữ chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Nếu Trung Quốc đang cố gắng dập lửa, mà những người khác lại chơi kiểu đổ dầu vào lửa... thì làm thế nào mà nỗ lực của Trung Quốc có thể đạt được kết quả mong đợi? Làm thế nào có thể giải quyết căng thẳng? Vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết như thế nào?", người phát ngôn cơ quan này cho biết.
Ông Cảnh Sảng thậm chí còn nói rằng có một số thế lực đang xây dựng thuyết âm mưu về "trách nhiệm Trung Quốc" và mô tả họ hoạt động với "động cơ không minh bạch", gắng làm nhẹ trách nhiệm của mình.
"Rũ bỏ trách nhiệm là không tốt, qua cầu rút ván cũng không ổn, thậm chí tệ nhất là chơi trò đâm sau lưng", ông Cảnh nói thêm, có ý ám chỉ đến Mỹ.
Sau vụ thử tên lửa đnạ đạo liên lục địa ngày 4/7 của Triều Tiên, Mỹ càng sốt sắng thúc giục Trung Quốc có những biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát và ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Dù Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc trừng phạt Triều Tiên tại LHQ hồi đầu tháng 6 nhưng cũng nhiều lần khẳng định ảnh hưởng của họ đối với Triều Tiên là rất hạn chế và họ đang làm tất cả những gì có thể. Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump ngày càng nản với sự hời hợt của Trung Quốc.
Lê Huyền (Sputnik)