Năm 2022, Từ điển tiếng Anh Collins đã chọn từ của năm là "permacrisis", có nghĩa là "khủng hoảng kéo dài", hàm ý về các cuộc khủng hoảng phức hợp mà chúng ta đã thấy năm nay, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đại dịch Covid-19, chiến sự ở Ukraine và biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy, thiên tai và biến đổi khí hậu đã trở thành một cuộc khủng hoảng tác động đến tất cả chúng ta.
Năm 2022, những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường đã diễn ra trên khắp thế giới, trên khắp các châu lục và không trừ một quốc gia nào. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, trong năm nay, có 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nắng nóng cho tới lũ lụt.
Nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi
Năm 2022 đã chứng kiến nắng nóng kỷ lục tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Sóng nhiệt ở châu Âu gia tăng về cả tần suất lẫn cường độ trong 4 thập kỷ qua. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 7/2022, sự thay đổi ở châu Âu diễn ra nhanh hơn so với những khu vực khác trên thế giới.
Bộ Y tế Italia ngày 22/7 đã ban bố cảnh báo đỏ do nắng nóng gay gắt tại 16 thành phố. Trong khi đó, tại Anh, nhiệt độ tại sân bay Heathrow (London) ngày 19/7 đã lên đến 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C của năm 2019, trong khi thị trấn Coningsby (Lincolnshire) đạt mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 40,3 độ C. Còn ở Pháp, cơ quan khí tượng đo được nhiệt độ kỷ lục tại 64 khu vực trên toàn quốc... Các cộng đồng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng oằn mình chống chọi với nhiệt độ cao, trong đó nhiệt độ phía Nam Tây Ban Nha được dự báo vượt mức 44 độ C.
Bên kia Đại Tây Dương, hơn 50% số bang của Mỹ đã phát cảnh báo về nền nhiệt cao trong sáng 21/7, với nhiệt độ cao nhất là 46 độ C tại Texas và Oklahoma.
Tại châu Á, biến đổi khí hậu khiến mùa hè đến sớm hơn ở Pakistan, kéo theo những đợt nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Hôm 13/5, nhiệt độ tại thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh đã đạt đỉnh 50°C, theo Cục Khí tượng Pakistan. Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình cũng được cảnh báo là cao hơn từ 6°C đến 9°C so với bình thường, với thủ đô Islamabad cùng các thành phố lớn như Karachi, Lahore và Peshawar ghi nhận nhiệt độ vào khoảng 40°C vào ngày 12/5.
Trung Quốc năm qua cũng trải qua đợt nắng nóng được đánh giá là "nghiêm trọng nhất trong vòng 6 thập kỷ". Truyền thông nước này vào tháng 8 đưa tin hơn 10 khu vực cấp tỉnh, trong đó có Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, hứng chịu nhiệt độ từ 40°C đến 42°C. Huyện Trúc Sơn thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc thậm chí đạt mức nhiệt trên 44°C hôm 13/8.
Ở Nhật Bản, nhiệt độ tại Isesaki (thành phố cách Tokyo 85km về phía Tây Bắc) vào chiều 25/6 đã lên tới 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục tháng 6 nóng nhất của Nhật Bản là 39,8 độ C vào năm 2011.
Nhiệt độ cao gây ra các ca tử vong ở nhiều khu vực bất chấp những cảnh báo kiểm tra thiết bị làm mát, chủ động uống nhiều nước, tránh xa ánh nắng mặt trời… được các chính phủ và cơ quan y tế đưa ra. Vì nắng nóng nên từ ngày 9/7 đến 23/7, ít nhất 44 người đã thiệt mạng tại Nhật Bản, trong khi hơn 12.000 người phải nhập viện trong hai tuần đầu tháng 7. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy, đã có hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tử vong vì nắng nóng. Một số quốc gia đã vất vả ứng phó với tình trạng lao động làm việc ngoài trời thiệt mạng do thời tiết cực đoan.
Hạn hán và cháy rừng
Như một hệ quả của sóng nhiệt, châu Âu đã hứng chịu đợt hạn hán "tồi tệ nhất 500 năm qua", với khoảng 2/3 lục địa trong tình trạng cảnh báo hạn hán, theo báo cáo được công bố ngày 23/8 của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu.
Tại Pháp, những đợt nắng nóng ở miền Nam nước này mùa hè năm nay đã phá vỡ kỷ lục, trong khi lượng mưa chỉ bằng một nửa so với thông thường. Từ tháng 7, Chính phủ Pháp đã yêu cầu cắt giảm nước cho tưới tiêu, trồng trọt. Nguồn nước được để dành cho các hoạt động thiết yếu như ăn uống, cứu hỏa và các trường hợp khẩn cấp.
Tại Tây Ban Nha, nước sản xuất dầu ô liu lớn nhất thế giới, hạn hán đã làm giảm 1/3 sản lượng dầu ô liu. Ở Đức, hạn hán xảy ra khi nông dân nước này vẫn còn chịu hậu quả từ trận lũ lụt lịch sử tàn phá mùa màng hồi năm ngoái. Sản lượng năm nay được dự báo có thể gây thất vọng trong bối cảnh hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, tác động đáng lo ngại nhất có lẽ là sự cạn kiệt của sông Rhine, bởi nó được coi là huyết mạch của nền kinh tế, với lượng lớn tàu chở hàng hóa lưu thông trên con sông mỗi ngày.
Ngay cả nước Anh, được biết đến với những cơn mưa quanh năm và lượng cây xanh dồi dào, đã phải đối mặt với viễn cảnh tương lai khô hạn hơn. Lượng mưa trong tháng 7 ở London chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Hồi tháng 8, nhà chức trách tuyên bố tất cả 9 vùng của nước Anh đang trong tình trạng khô hạn.
“Mùa hè năm nay ở Anh dường như đã chuyển sang hình thái khí hậu khô, nóng, ít mưa như ở California vậy... Đây là một khoảng thời gian rất bất thường”, Giáo sư James Cheshire, chuyên gia nghiên cứu khí hậu tại University College London nhận định.
Tại châu Phi, hạn hán kéo dài đã làm cho người dân vốn nghèo nay lại càng gặp khó. Trong báo cáo cập nhật tình hình khu vực được ban hành ngày 17/11, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết trên khắp vùng Sừng châu Phi, chủ yếu là Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia, khoảng 22 triệu người hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghiêm trọng sau 4 mùa mưa liên tiếp chịu hạn hán nặng nề.
Theo WFP, sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc và giá cả tăng cao do cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã ngày càng đẩy nhiều người đến bờ vực đói khổ, đặc biệt ở những khu vực đang quay cuồng với chi phí tăng vọt do biến đổi khí hậu, xung đột và dịch bệnh Covid-19.
Giám đốc khu vực phía Đông châu Phi của WFP, ông Michael Dunford cho biết: "Chúng ta không còn nhiều thời gian để tập trung vào những việc cần làm trước mắt. Chúng ta cũng cần bắt đầu chuẩn bị cho cú sốc tiếp theo - cho dù đó là đợt hạn hán tiếp theo, lũ lụt tiếp theo hay cuộc khủng hoảng tiếp theo".
Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, những người chăn nuôi gia súc ở vùng đất thấp phía Nam và phía Đông của Ethiopia "đã bất lực nhìn hạn hán - một kẻ săn mồi khác – đang khiến đàn gia súc của họ chỉ còn da bọc xương".
Số liệu của WFP cho thấy, chỉ riêng tại Ethiopia, khoảng 3,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Con số này tương đương với gần một nửa số trẻ em bị suy dinh dưỡng trên khắp vùng Sừng châu Phi.
Ông Dunford nhấn mạnh: "Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất, khô hạn nhất từng xảy ra trong 40 năm qua. Vì vậy, chúng ta đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới của biến đổi khí hậu".
WFP chỉ ra thêm rằng tình trạng khan hiếm thực phẩm và nước cực độ đã giết chết khoảng 7 triệu gia súc trên khắp vùng Sừng châu Phi, gây nguy hiểm cho sinh kế của những người chăn nuôi gia súc, những người dựa vào chúng để có thức ăn và thu nhập. Báo cáo của WFP cảnh báo: “Các hệ sinh thái mong manh nơi chúng sinh sống và lối sống mà những vùng đất này đã duy trì qua nhiều thế hệ đang dần sụp đổ do các kiểu khí hậu thất thường".
Lũ lụt
Tháng 4/2022 ghi nhận trận lũ lụt lớn nhất 60 năm tàn phá thành phố cảng Durban, thành phố đông dân thứ ba Nam Phi và là thành phố lớn nhất của tỉnh KwaZulu-Natal, khiến ít nhất 306 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng trăm triệu USD về tài sản và cơ sở hạ tầng.
Chỉ trong vòng 24 giờ, lượng mưa tại một số khu vực ở tỉnh KwaZulu-Natal đã lên tới hơn 300mm, gần bằng 1/3 tổng lượng mưa hằng năm của Durban, đồng thời xô đổ kỷ lục trong gần 3 thập kỷ qua. Trận đại hồng thủy này đã gây sạt lở nghiêm trọng chưa từng có tại đây, cuốn trôi nhiều người, cầu đường và các công trình dân sinh khác.
Nam Phi ít khi hứng chịu các cơn bão như quốc gia láng giềng Mozambique. Vì vậy, những trận mưa như trút trong tháng 4 năm nay là điều bất thường do các tác động của biến đổi khí hậu.
Vào cuối tháng 8, Pakistan cũng ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi mưa lũ phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và ảnh hưởng tới 33 triệu người nước này. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman gọi trận lũ là "thảm họa với quy mô khủng khiếp".
Pakistan đứng thứ 8 trong Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, danh sách do tổ chức môi trường Germanwatch lập ra để tổng hợp những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Bắc Cực nóng lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của Trái đất
Trong một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Communications Earth & Environment hôm 11/8, các nhà nghiên cứu đã phân tích 4 bộ dữ liệu nhiệt độ được thu thập trên toàn bộ Vòng Bắc Cực bởi các vệ tinh kể từ năm 1979. Họ kết luận rằng Bắc Cực đã ấm lên trung bình 0,75°C mỗi thập kỷ, nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của Trái đất.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Phần Lan và Na Uy đã tìm thấy những biến thể cục bộ lớn về tốc độ ấm lên trong Vòng Bắc Cực. Do đó, khu vực Á - Âu của Bắc Băng Dương, gần quần đảo Svalbard của Na Uy và quần đảo Novaya Zemlya của Nga, đã ấm lên 1,25°C mỗi thập kỷ, tức là nhanh hơn khoảng 7 lần so với phần còn lại của thế giới.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ngay cả các mô hình khí hậu hiện đại nhất cũng dự đoán tình trạng nóng lên ở Bắc Cực thấp hơn khoảng 1/3 so với những gì dữ liệu quan sát được.
Sự nóng lên nhanh chóng ở Bắc Cực không chỉ tác động trực tiếp đến các cộng đồng địa phương và động vật hoang dã sống dựa vào băng biển, mà còn gây ra những hậu quả trên toàn thế giới.
Dù bức tranh khí hậu trong năm 2022 không mấy khả quan nhưng một điểm sáng đã xuất hiện trong Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11 năm 2022 đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vấn đề bồi thường khí hậu dù lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức nhưng đã đạt được bước tiến lịch sử và được coi là hy vọng mới trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại". Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù chung, bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và nhiều hòn đảo do mực nước biển dâng cao.
Giới quan sát cho rằng trong các vấn đề chủ chốt như cắt giảm khí nhà kính, hay hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, thỏa thuận COP27 không đi xa hơn so với cam kết đặt ra tại hội nghị COP26 năm ngoái. Tuy nhiên với, việc thành lập quỹ đền bù khí hậu đã cho thấy, tiếng nói của những nước đang phát triển bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu đang dần lớn hơn. "Cùng nhau thực thi" - chủ đề COP27 năm nay - chắc sẽ là từ khóa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.