Theo tin tức trên Tri thức trực tuyến, sáng 24/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã có buổi làm việc tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở dù các khâu cho kỳ thi THPT Quốc gia cơ bản hoàn tất, nhưng vẫn còn thời gian để rà soát cho kỹ.
Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề cần được quan tâm sau:
- Thứ nhất, công tác bảo quản đề, bài thi phải chu đáo từng khâu, chỉ cần sơ hở một khâu, toàn bộ quy trình sẽ hỏng. Do đó, cán bộ được phân công sao in, bảo quản đề, bài thi phải nâng cao ý thức trách nhiệm. Theo Bộ trưởng dù có camera nhưng nếu người được giao nhiệm vụ không thực hiện nghiêm túc, sai sót rất dễ xảy ra.
- Tất cả cán bộ coi thi phải hiểu rõ quy chế, nắm chức năng, quyền hạn của mình, thực hiện đúng, làm đến nơi đến chốn theo quy định.
- Đặc biệt lưu ý những chi tiết nhỏ dễ xảy ra sai sót trong quá trình coi thi như chữ ký giám thị. Các hội đồng thi trao đổi với giám thị, quán triệt từ những việc nhỏ nhất theo quy chế.
Theo Tư lệnh ngành giáo dục, những năm gần đây, nhiều thiết bị tinh vi nhằm gian lận thi cử xuất hiện và Hà Nội là một trong những địa phương có nguy cơ cao. Do đó, giám thị cần giám sát ngay từ đầu, tránh khi thí sinh mang vào sử dụng mới xử lý thì rất phức tạp. Một số giám thị chưa chú trọng vấn đề này, dẫn đến sơ suất.
- Thanh, kiểm tra cần toàn diện, không làm căng thẳng nhưng phải giám sát chặt chẽ công việc theo quy chế. Các cấp tăng cường giám sát trong các khâu để kỳ thi diễn ra nghiêm túc.
- Công tác truyền thông rất quan trọng. Cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng cho báo chí, tạo sự minh bạch để xã hội tin tưởng.
- Công tác phục vụ kỳ thi như điện nước, nơi ăn chốn ở cho cán bộ coi thi, tình hình giao thông trong đợt thi cũng cần được lưu ý.
Liên quan đến những thiết bị công nghệ giúp gian lận thi cử, theo Đại úy Hà Quang Huy, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội, cho biết, hiện nay các thiết bị để gian lận thi cử ngày càng được thiết kế tinh vi, khó phát hiện. Về cấu tạo chung, các thiết bị có cấu tạo gồm 2 phần chính: tai nghe hạt đậu siêu nhỏ, gắn sát vào màng nhĩ để phát âm thanh cho thí sinh và bộ thu phát có gắn thẻ sim điện thoại có chức năng thu âm, ghi hình.
Theo Đại uý Huy, các thiết bị công nghệ cao thường được sản xuất với các dạng như cúc áo, thẻ ATM, bút bi, USB có gắn thẻ sim và tai nghe hạt đậu, chìa khóa xe máy, ô tô, gọng kính cận, đồng hồ đeo tay có chức năng nhận, chuyển văn bản. Hay thậm chí các loại máy tính trong danh mục mang vào phòng thi cũng được lập trình, lắp thêm các thiết bị thu phát sóng bên trong.
Nếu những thiết bị này được đưa vào phòng thi, hậu quả sẽ khôn lường. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, giám thị vẫn có thể nhận biết được những thí sinh gian lận thi cử.
"Những thí sinh dùng các thiết bị này sẽ thường đọc lẩm nhẩm đề thi, hoặc đọc to thành tiếng, hành động này tưởng như bình thường nhưng nếu có thiết bị thu phát trong người thì đề thi sẽ được truyền ra ngoài. Đặc biệt, trong thời tiết nóng bức, các em vẫn có thể mặc áo dài tay, tóc để che hết tai, mặt. Thí sinh gắn thiết bị nghe siêu nhỏ gần màng nhĩ thường bị ngứa, nên sẽ hay đưa tay lên tai để gãi hoặc chống tay lên tay", trên VOV dẫn lời Đại úy Hà Quang Huy cảnh báo.