Theo New York Post, một con cá mập epaulette cái sống trong môi trường sống riêng tại sở thú Brookfield, Chicago (Mỹ) được phát hiện sinh con dù không tiếp xúc với bất kỳ con đực nào trong suốt thời gian sống tại đây. Được biết, con cá mập này đã sống tại sở thú Brookfield từ năm 2019 tới nay. Từ đó tới nay, con cá mập cái epaulette này không ở cùng con đực nào.
Vào ngày 23/8, một trong những quả trứng của cá mập mẹ đã nở thành một con cá mập con - đây là trường hợp thứ hai được ghi nhận về một con cá mập epaulette được tạo ra bằng phương pháp sinh sản vô tính tại cơ sở được Hiệp hội Sở thú và Thủy cung công nhận.
Lần đầu tiên, cá mập cái epaulette sinh con mà không có con đực được ghi nhận ở Thủy cung New England, nơi những con cái trưởng thành của Vườn thú Brookfield đang sinh sống tại đây.
Mike Masellis - chuyên gia chăm sóc động vật hàng đầu tại Vườn thú Brookfield, cho biết: “Chúng tôi vui mừng thông báo rằng, cá mập epaulette của chúng tôi đã ăn uống rất tốt với chế độ ăn gồm cá capelin thái nhỏ, xúc tu mực băm nhỏ và các loại hải sản thái nhỏ khác. Các đồng nghiệp của chúng tôi tại Thủy cung New England là một nguồn tài nguyên tuyệt vời vì những con cá mập con được sinh ra theo phương pháp sinh sản vô tính".
Theo Viện Y tế Quốc gia, sinh sản đơn tính (PG) là một hình thức sinh sản vô tính trong đó con cái có thể tạo ra phôi mà không cần tinh trùng để thụ tinh. Theo Britannica, PG xuất hiện tự nhiên ở một số động vật không xương sống như kiến và ong, nhưng hiếm gặp ở động vật có xương sống phức tạp hơn, chẳng hạn như cá mập.
Cá mập mẹ lần đầu tiên đến sở thú khi nó mới ba tuổi và sở thú cho biết loài này đạt đến độ tuổi thành thục sinh dục vào khoảng bảy tuổi.
Cá mập cái bắt đầu đẻ từ 2 đến 4 quả trứng, những quả trứng này thường không có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, điều những nhân viên trong sở thú không ngờ tới là một trong những quả trứng đó lại có khả năng sinh sản.
Cá mập con nở sau thời gian ấp 5 tháng và được các nhân viên chăm sóc động vật theo dõi “ở hậu trường”. Con cá mập con hiện đã được hai tháng tuổi và dài khoảng 5 đến 6 inch (12,7 - 15,24cm). Khi trưởng thành hoàn toàn, cá mập epaulette có thể dài tới 2,5 đến 3 feet (0,7 - 1m).
Hiện tại, cá mập con sinh sống ở khu vực Living Coast ở sở thú. Masellis nói: “Chúng tôi rất mong du khách có thể nhìn thấy cá mập con".
Cá mập Epaulette thường được tìm thấy ở vùng nước nông, ấm áp quanh New Guinea và Australia. Chúng “chủ yếu sống về đêm”, có thể chịu đựng được “môi trường lượng oxy cực thấp” và được biết là có thể “đi bộ” những quãng đường ngắn bằng vây ngực.
Để có vẻ lớn hơn thực tế, loài này có các đốm mắt giả phía sau đầu, trông giống như loại trang trí đồng phục trên vai - đây cũng là lý do loài cá mập này có tên Epaulette.
Ảnh: New York Post