Củ kiệu là món không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Trước khi Tết khoảng 1 tuần, các gia đình sẽ muối củ kiệu để ăn Tết cùng thịt chân giò, giò cuốn, tóp mỡ, thịt luộc,.. như một món ăn kèm chống ngấy. Tuy nhiên thực chất củ kiệu có thể làm ra nhiều món ngon khác nữa, thay vì được sử dụng thuần túy như hiện nay.
Tôm khô củ kiệu
Tôm khô củ kiệu là món ăn đơn giản nhất mà lại ngon miệng bất ngờ. Bạn chỉ việc lấy củ kiệu ra cho vào dĩa rồi chan một ít nước vào rồi cho tôm khô lên là xong. Củ kiệu trắng giòn, chua chua ngọt ngọt kết hợp với vị mặn mặn của tôm khô rất hấp dẫn.
Trứng bắc thảo, tôm khô và củ kiệu
Món này cũng tương tự như trên mà sẽ có thêm trứng bắc thảo được cắt làm tư, một số gia đình còn cho thêm cà pháo nữa. Giống như dưa món của người miền Trung, củ kiệu ngâm chua ăn kèm tôm khô, trứng bắc thảo luôn xuất hiện trên mâm cỗ của người miền Nam ngày tết.
Gỏi củ kiệu
Gỏi củ kiệu được trộn cùng tôm khô, cá khô, cà rốt, rau răm, hành, ớt cùng gia vị, hành vi được rất nhiều người ưa chuộng. Đây là món ăn chống ngán ngày Tết. Củ kiệu vốn là một món đồ chua nhưng khi ăn vào lại có vị ngọt nồng nàn, dùng kèm với vài con tôm khô, nước mắm thơm càng làm tôn lên hương vị đặc trưng của món ăn cổ truyền.
Củ kiệu xào thịt bò
Củ kiệu xào thịt bò có thể không phổ biến ở các thành phố lớn tuy nhiên ở các tỉnh nhỏ ở miền Tây thì món ăn này được rất nhiều người ưa thích. Từ những nguyên liệu cơ bản như thịt bò, cà rốt, tỏi băm, dầu ăn. Chỉ trong khoảng 15- 30 phút, một đĩa củ kiệu xào thịt bò đã hoàn thành. Khi dọn lên, bạn hãy rắc một ít tiêu, món này ăn kèm với cơm và nước tương rất ngon.