Mới đây, quân đội Trung Quốc vừa cho ra mắt một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa do nước này phát triển. Đây được coi là hành động nhằm đáp trả lại hệ thống lá chắn THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Phát ngôn viên của lực lượng Không quân Trung Quốc, ông Thân Tiến Khoa tuyên bố, hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ do nước này phát triển đã sẵn sàng tham chiến. Hệ thống phòng không mới có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly gần đến tầm xa, từ tầm thấp đến tầm cao.
Ông Thân cho biết, hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới này là một trong những bộ phận quan trọng trong khả năng chiến lược của Không quân Trung Quốc. Ông Thân tiết lộ thêm, hệ thống này bao gồm tên lửa và hệ thống phóng hoàn toàn mới.
Tuy tiết lộ về việc trang bị vũ khí mới nhưng ông Thân từ chối cung cấp chi tiết về tên gọi của hệ thống này.
Theo nhận định của các nhà quan sát, tên lửa mà ông Thân đề cập có thể là phiên bản tiếp theo của hệ thống phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, theo thông tin được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 7/2016, hệ thống phòng thủ tên lửa mới này chính là Korla.
Hình ảnh hệ thống THAAD của Mỹ. |
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đã thực hiện 4 cuộc thử nghiệm thành công liên tiếp với "hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất" GMD từ Tổ hợp phóng tên lửa Korla ở Tân Cương.
Hệ thống GMD mới ra mắt có khả năng nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ngoài tầng khí quyển. Việc Trung Quốc bất ngờ khoe khả năng của hệ thống mới dường như mang theo một thông điệp chính trị.
Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa vào thực chiến đã đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai sau Mỹ làm chủ công nghệ này. Trung Quốc công bố thông tin trên trong bối cảnh chỉ hai tuần sau khi Washington và Seoul ký cam kết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Trung Quốc khai hỏa hệ thống HQ-9. |
Theo dự kiến, hệ thống THAAD sẽ được triển khai hoạt động vào cuối năm tới. Trong một tuyên bố mới đây, Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối cam kết nói trên và cáo buộc hành động này của Mỹ-Hàn Quốc có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc và tình hình trên bán đảo.
Theo thông tin của Cộng đồng tình báo Mỹ, trong những lần thử nghiệm gần đây nhất với Korla, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa SC-19 đánh chặn mục tiêu là những tên lửa đạn đạo.
Tổ chức Global Security đánh giá, tên lửa SC-19 đóng vai trò 'thuốc phóng' chính trong các thử nghiệm công nghệ vũ khí chống tên lửa mới của Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc từng bắn hạ một vệ tinh thời tiết của chính nước này.
Nghiêm Thu (theo Hoàn Cầu)