Theo dự thảo kế hoạch tài chính cho việc thống nhất liên Triều trong tương lai do Ủy ban Tài chính (FSC), Bộ Chiến lược và Tài Chính, Bộ Thống nhất và nhiều cơ quan khác của Hàn Quốc vạch ra, Seoul ước tính cần tới 500 tỉ USD để thống nhất hai miền Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 8/10 đưa tin, nhằm giảm tác động từ cuộc thống nhất liên Triều trong tương lai, Seoul cần phải chi ra một khoản tiền khổng lồ lên tới 500 tỷ USD vào việc thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và phát triển các khu phức hợp công nghiệp nhằm nâng thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên lên khoảng 10.000 USD và giảm tác động của cuộc thống nhất.
Dự thảo còn đề xuất cải cách hệ thống tiền tệ và ngoại hối, đưa ra hệ thống ngân hàng thương mại và lập một ngân hàng trung ương độc lập cho miền Bắc.
Quan chức cấp cao Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên hội đàm ngày 4/10
Tổng Giám đốc Ban Chính sách Tài chính thuộc FSC Kim Yong-beom khẳng định: “Đây là lần đầu tiên chính phủ xem xét những vấn đề tài chính và chi phí cho việc chuẩn bị thống nhất”.
Ông Kim Yong-beom cũng nhấn mạnh rằng, trước khi thống nhất, miền Nam cần hỗ trợ miền Bắc phát triển đến một mức nào đó để giảm thiểu chi phí.
Theo dự thảo, tổng thu nhập quốc gia (GNI) hiện nay của Triều Tiên ước tính ở mức 29,7 tỉ USD, thấp hơn 37 lần so với GNI của Hàn Quốc (1.100 tỉ USD). Còn thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) của Triều Tiên là 1.214 USD, thấp hơn 19 lần so với con số tương ứng 22.708 USD của Hàn Quốc.
Trong khi đó, hôm 7/10, Yonhap đưa tin, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trình quốc hội nước này báo cáo khẳng định Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực để hoàn thành mục tiêu tái thống nhất vào năm 2015.
Những thông tin trên được đưa ra vài ngày sau khi nhân vật số 2 của Triều Tiên Hwang Pyong-so cùng 2 quan chức cấp cao hội đàm với phía Hàn Quốc trong chuyến thăm bất ngờ. Đây là cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong vòng 5 năm qua. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí nối lại đối thoại cấp cao vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới.
Nội dung các cuộc thảo luận được giữ kín và không bên nào bình luận công khai về cuộc gặp này, song động thái trên được xem như một bước ngoặt sau nhiều tháng căng thẳng quân sự giữa hai nước. Các quan hệ giữa hai nước về thực tế không tồn tại suốt bốn năm qua.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin