"Nhận được lệnh khẩn từ cấp trên, chúng tôi ngay lập tức tiến hành may bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng . Vừa may, chúng tôi vừa khóc...", Thượng tá Tâm xúc động kể lại.
Cho đến bây giờ, đã 1 năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, nhưng có lẽ ít ai biết được những câu chuyện đầy xúc động đằng sau việc chuẩn bị chu toàn mọi thứ cho đám tang của Đại tướng, trong đó, có câu chuyện rất cảm động từ những người có vinh dự được may bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Liên tiếp nhận mệnh lệnh đột xuất, đặc biệt từ cấp trên
Ngay sau khi tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần được phát đi, tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan đều được huy động để chuẩn bị lo hậu sự cho Đại tướng.
Trong rất nhiều công việc, có một việc cũng vô cùng quan trọng, đó là tiến hành chuẩn bị bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng.
Nhận được mệnh lệnh từ cấp trên, Xí nghiệp đo may Quân đội – Công ty Cổ phần X20 (Tổng cục Hậu cần) đã ngay lập tức tuyển chọn một tổ thợ gồm những “bàn tay vàng”, có tay nghề, năng lực và trình độ chuyên môn cao nhất để tiến hành công việc.
Là người trực tiếp phụ trách việc lấy số đo phục vụ may quần áo cho Đại tướng từ năm 2002 cho đến thời điểm Đại tướng qua đời, Thượng tá Hoàng Sỹ Tâm – Giám đốc Xí nghiệp Đo may quân đội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần X20 vẫn chưa hết nghẹn ngào khi nhớ lại những kỷ niệm về Đại tướng.
Thượng tá Tâm kể lại, ngay khi nhận được lệnh, ông đã cùng lãnh đạo công ty trực tiếp đến gặp để nghe nguyện vọng từ gia đình Đại tướng, triển khai may gấp bộ lễ phục kiểu cũ (K-82) màu be, cũng chính là bộ lễ phục mà Đại tướng rất yêu thích.Khi bắt tay vào công việc, mọi công đoạn chọn người, chọn nguyên liệu, máy móc đều được tiến hành một cách kỹ lưỡng nhất.
Giám đốc Xí nghiệp May đo quân đội cho biết, trong rất nhiều cây vải thì mới có thể chọn được một mảnh vải ưng ý, vải được chọn may bộ quân phục bên ngoài là vải gabardine màu be, quần áo liệm thì được may bằng vải lụa trắng theo đúng yêu cầu của gia đình, còn toàn bộ quần áo ngoài, quần áo trong, sơ mi, ca-vat, tất…, mỗi kiểu được may bằng một loại vải khác nhau.
Bộ quân phục của Đại tướng trong quá trình làm lại không giống như những bộ quần áo mặc bình thường, tức là khi mặc cho những người đã nằm xuống phải phù hợp với hình dáng khi nằm sao cho khi mặc vào đẹp nhất, đó là một điều cũng không hề hơn giản.
Theo yêu cầu của gia đình thì chiều 10/10 phải bàn giao bộ quân phục đó, nhưng đến ngày 9/10, quân phục đã được chuẩn bị xong, được giặt là thơm tho và treo trong phòng làm việc của Giám đốc Xí nghiệp may đo quân đội. Tối hôm ấy, trực tiếp ông cũng ngủ lại phòng để canh giữ đồ cho Đại tướng.Và đúng 6h sáng ngày 10/10 thì con trai Đại tướng là người đại diện cho gia đình đã tiếp nhận toàn bộ Bộ quân tư trang của Đại tướng. Gia đình khi ấy rất ưng ý, hài lòng và xúc động.
Nhiệm vụ đầu tiên vừa hoàn thành, vào 8h tối 11/10, khi đang trên đường đi làm về thì Thượng tá Hoàng Sỹ Tâm nhận được lệnh phải lên nhà tang lễ gấp để triển khai may lại bạt của nhà tang lễ.
Khi ấy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam sau khi kiểm tra phông bạt của Nhà tang lễ 108 thì thấy không phù hợp nên đã yêu cầu may lại.
Tấm bạt đỏ để che mộ Đại tướng mà cho đến nay, Xí nghiệp đo may quân đội vẫn thường may để thay đổi khi những tấm bạt cũ bị bạc màu.
Ngay khi nhận được lệnh, Thượng tá Tâm quay xe luôn lên nhà tang lễ. Hoàn cảnh lúc ấy vô cùng khó khăn, vì Ban tổ chức yêu cầu phải hoàn thành trước 3h sáng nhưng riêng công dỡ ra lắp vào phải mất 6 tiếng, trong khi đó, lúc ấy đã gần 21h tối. Mọi người có mặt ở đó đều cho rằng nhiệm vụ ấy là không thể thực hiện được, nhưng riêng Thượng tá Tâm lại rất quyết tâm, và khẳng định sẽ làm bằng được. Đích thân Thượng tá Tâm đã trèo lên để đo kích thước phông bạt, sau đó, khi trên đường về Xí nghiệp, vừa đi đường, Thượng tá Tâm vừa gọi điện triệu tập anh em, đến khi về tới xí nghiệp thì bắt tay làm luôn trong đêm, lúc đó là hơn 22h đêm.20 cán bộ công nhân viên của xí nghiệp được huy động khẩn cấp để may hơn 200 mét vuông nhà bạt và triển khai đầy đủ tất cả các phụ kiện kèm theo.
Đến khoảng 24h thì may xong, sau đó, xí nghiệp bố trí 2 xe ô tô chở lên Nhà tang lễ để triển khai lắp đặt nhà bạt đó. Rất may mắn là khi lắp đặt thì không sai lệch một chút nào, và mọi công việc được hoàn thành lúc 1h30 sáng. Khi ấy, tất cả mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó, được ít hôm, Xí nghiệp lại nhận được lệnh may lại toàn bộ trang phục nghi lễ cho các chiến sĩ đồn biên phòng làm nhiệm vụ canh giữ và bảo vệ mộ cho Đại tướng trong Quảng Bình .Lãnh đạo Xí nghiệp đo may quân đội đã cử người vào trong đó lấy số đo của từng đồng chí, sau đó tiến hành may gấp. Chỉ trong 5 ngày thì may xong 60 bộ quân phục mùa đông, 60 bộ mùa hè cho 30 cán bộ chiến sĩ. Khi xong thì lại đem vào bàn giao cho đồn biên phòng trong đó.
Tiếp ngay sau đó, Xí nghiệp lại nhận thêm nhiệm vụ là máy phông bạt đỏ phủ trên mộ Đại tướng theo đúng kích thước mà gia đình Đại tướng yêu cầu. Vì nắng mưa, sương gió, tấm bạt đó cũng thường bị bạc màu nên cho đến nay, Xí nghiệp vẫn phải thường xuyên may bạt đỏ để thay.
Một chuỗi mệnh lệnh bất ngờ, đột xuất, lại chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng tất cả các lãnh đạo và cán bộ của Xí nghiệp may đo quân đội nói riêng và công ty X20 nói chung đều hoàn thành một cách xuất sắc.
Nén đau thương để trau chuốt từng đường may cho bộ quân phục cuối
Là một người có vinh dự được lấy số đo và may quân phục cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 2002, đến khi được giao nhiệm vụ may bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng khi Người qua đời, Thượng tá Hoàng Sỹ Tâm cho biết, những cảm xúc khi ấy có lẽ ông sẽ không bao giờ quên được.
Khi nhận tin Đại tướng qua đời, tất cả các anh em trong xí nghiệp đều hụt hẫng, đau buồn.Đến khi nhận mệnh lệnh may cho Người bộ quân phục cuối cùng, ai cũng muốn được tham gia. Tuy nhiên, chỉ có tổ thợ “bàn tay vàng” đã được lựa chọn kỹ lưỡng được tham gia công việc.
Giám đốc Xí nghiệp đo may quân đội Hoàng Sỹ Tâm cùng một tổ thợ có "bàn tay vàng" là những người có vinh dự được chọn may bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thượng tá Tâm kể lại, khi ấy, ông cũng trực tiếp tham gia vào công việc may quân phục này, và vừa làm, thì mọi người vừa khóc vì tiếc thương Đại tướng. Tuy nhiên, tất cả đều động viên nhau cố gắng kìm nén cảm xúc để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhớ lại những kỷ niệm đầy xúc động ngày ấy, Giám đốc Xí nghiệp may đo quân đội cho hay, có một câu chuyện cũng rất đáng nhớ, đó là khi thực hiện xong nhiệm vụ, Ban tổ chức và các cấp trên có yêu cầu kê danh sách những người phục vụ Đại tướng để được khen thưởng về tinh thần và hiện vật, thế nhưng khi có ý kiến với anh em để thực hiện nội dung ấy thì tất cả đều từ chối không nhận phần thưởng. Mọi người cho rằng được thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho Đại tướng đã là một phần thưởng vô giá đối với mỗi cá nhân và đơn vị rồi. Bởi vậy mà kể cả đơn vị, cá nhân, không một ai chịu nhận phần thưởng từ cấp trên.
Trước đó, Giám đốc Xí nghiệp đo may quân đội cũng là người trực tiếp thường vào lấy số đo của Đại tướng để chuẩn bị cho việc may quân phục.
Nhớ về Đại tướng, Thượng tá Hoàng Sỹ Tâm cho biết không thể nào quên lần đầu tiên đến lấy số đo trang phục cho Người vì khi ấy ông rất run,nhưng khi vừa vào thì lại thấy Đại tướng rất gần gũi, niềm nở. Và chỉ đến lần thứ hai thì Đại tướng đã nhớ mặt ông, mới nhìn thấy ông đến lấy số đo là Đại tướng đã gọi là “anh đo may” hoặc “anh X20”. Mỗi lần đo xong, Đại tướng đều giữ ông lại trò chuyện, hỏi han về các cán bộ công nhân viên của xí nghiệp, căn dặn phải quan tâm đến người lao động, và cũng không quên hỏi cuộc sống gia đình riêng…Có lẽ, chính vì những điều ấy, mà hình ảnh của Đại tướng vẫn mãi mãi nằm trong tâm trí của những người đã từng có cơ hội được tiếp xúc với Người nói riêng, trong tâm trí của những người con đất Việt nói chung.
Theo Đời Sống & Pháp Luật