Liên quan tới việc nước ta vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ là một phụ nữ ở Tp.HCM từng có tiền sử đi du lịch Dubai, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định, sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ này không có gì bất ngờ trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu đi lại tăng mạnh sau dịch Covid-19.
Trước vấn đề dư luận đang quan tâm là việc tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ khi một số nước trên thế giới đã cho phép lưu hành loại vaccine phòng ngừa này, một số chuyên gia dịch tễ cho biết, loại vaccine này không được khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ ở nhóm đối tượng có nguy cơ. Trong Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người do Bộ Y tế ban hành cũng nêu rõ, việc sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người được tiêm vaccine đậu mùa được bảo vệ ít nhất 85% với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới đã loại trừ vĩnh viễn bệnh đậu mùa từ cuối những năm 70 và đầu năm 80 nên hiện nay rất ít nước còn dự trữ vaccine đậu mùa. Dây chuyền sản xuất đã đóng cửa từ lâu, chỉ một số nước tái khởi động lại các dây chuyền này. Do đó, hiện chưa có chỉ định tiêm vaccine rộng rãi với bệnh đậu mùa khỉ với tất cả người dân.
Cũng theo bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: “Hiện nay, WHO không khuyến cáo tiêm chủng đại trà cho người dân đối với bệnh đậu mùa khỉ. Thực tế, có một số vaccine phòng đậu mùa khỉ đã đăng ký lại để được phép sử dụng nếu việc tiêm chủng cần được thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra khuyến cáo, việc tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ có thể tiến hành trên một số nhóm đối tượng như: người đã tiếp xúc với người bệnh, có thể tiêm phòng sau phơi nhiễm, người hỗ trợ những người mắc bệnh, có thể tổ chức tiêm chủ động để phòng ngừa lây lan sang họ. Các đối tượng đó là: nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm”.
Liên quan vấn đề xét nghiệm phát hiện đậu mùa khỉ, TS Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học Phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Bệnh viện đã có sự chuẩn bị trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Cụ thể, sau khi bác sĩ lâm sàng có chỉ định về việc nghi ngờ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, chúng tôi sẽ lấy bệnh phẩm ở vùng tổn thương là nốt phỏng ngoài da của người bệnh để xét nghiệm khẳng định. Một số loại bệnh phẩm khác cũng được lấy gồm máu, bệnh phẩm đường hô hấp nhằm làm các xét nghiệm khác nhau, từ sinh học phân tử đến những xét nghiệm thông thường”.
Theo vị chuyên gia này, với dịch tổn thương ở vùng da, các bác sĩ sẽ tách chiết vật liệu di truyền ở người bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Sau đó, mẫu này sẽ được nhân lên để phát hiện đoạn gene đặc hiệu của đậu mùa khỉ, từ đó xác định chính xác ca bệnh.
Được biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ đầu năm 2022 đến nay, WHO đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của dịch đậu mùa khỉ tại 106 quốc gia thành viên ở tất cả 6 khu vực của tổ chức này. Cụ thể, tính đến ngày 4/10, có tổng cộng 68.900 ca mắc đậu mùa khỉ được xác nhận và 3.203 ca nghi mắc. Theo báo cáo của WHO, thế giới đến nay ghi nhận 26 ca tử vong vì căn bệnh này.