Tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cho biết họ có bằng chứng mới về việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tàn sát 770 binh sĩ Iraq sau khi chiếm một căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại thàh phố Tikrit, Iraq hồi tháng 6.
Báo cáo của Tổ chức giám sát nhân quyền cho biết, ba địa điểm hành quyết tập thể mới đã được phát hiện tại căn cứ không quân Camp Speicher, gần thành phố Tikrit của Iraq, nâng tống số địa điểm xử tử tập thể lên con số 5. Theo tổ chức này, các vụ thảm sát do các nhóm phiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo tiến hành sau khi bao vây thành phố Tikrit, nằm cách Baghdad chỉ khoảng 190km về phía Bắc.
"Sự dã man" của nhóm Nhà nước Hồi giáo xúc phạm một cách trắng trợn lương tâm của loài người và "những tội ác chống lại loài người có quy mô tăng lên rõ rệt" ông Fred Abrahams - phát ngôn viên của tổ chức này có trụ sở ở New York (Mỹ) nói.
Hình ảnh được cắt từ video thấy các tay súng của IS đang sát hại nhiều nam giới tại Iraq
"Chúng tôi có những bằng chứng mới về các hành vi tàn ác của nhóm IS, các vụ xử tử hàng loạt ở thành phố Tikrit. Một người sống sót, và chúng tôi có một hình ảnh mới - được chụp từ vệ tinh và một cuộc phân tích hình ảnh video. Tất cả những thứ này cho thấy số người bị xử tử tăng gấp ba từ 550 lên tới 770 người, và con số thật sự có thể còn cao hơn nữa", ông Abrahams cho hay.
Về phần mình, IS tuyên bố đã hành quyết 1.700 thành viên của quân đội Iraq sau khi giành quyền kiểm soát Tikrit.
IS cũng đăng tải các vieo về các nam giới, cũng như các bức ảnh chụp họ nằm dưới hào với đôi tay bị trói. Một số bức ảnh chụp các phiến quân nổ súng vào các nam giới.
Các vụ giết người hàng loạt đã khiến gia đình các nạn nhân phẫn nộ, nhiều người trong số họ chỉ trích chính phủ Iraq việc xử lý yếu kém vụ việc.
Abdul-Karim, một binh sĩ sống sót trở về, nhớ lại thời khắc kinh hoàng rằng sau khi 3 binh sĩ Iraq người Shiite bị bắn chết từ phía sau gáy, thì đến lượt anh. Tuy nhiên, các tay súng đã bắn trượt. Theo bản năng, Karim nằm xuống huyệt mộ bên cạnh các nạn nhân. Quyết định này có thể nói rằng đã cứu sống mạng anh.
Abdul-Karim, 23 tuổi, xác định anh chính là người được khoanh tròn trong đoạn video mà IS công bố
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều binh sĩ được liệt kê là mất tích, khiến thân nhân họ biểu tình ở Baghdad để gây sức ép buộc các quan chức phải cho biết rõ về số phận của con cái họ.
Hôm 2/9, nhóm IS còn tiếp tục công bố một đoạn video cảnh chặt đầu nhà báo thứ hai của Mỹ Steven Sotloff (người gốc Israel) và cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng các cuộc không kích liên tục chống lại nhóm này sẽ được đáp lại bằng việc giết hại các tù binh phương Tây. Đoạn phim xử tử dã man này được đăng tải sau đoạn video chặt đầu nhà báo Mỹ thứ nhất James Foley được tung lên mạng Internet.
Trong khi đó, ông Obama hôm 4/9 cho biết những cuộc không kích của Mỹ đã chặn đứng đà tiến ở Iraq của nhóm IS khi phát biểu tại Estonia.
"Nếu có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, chúng tôi có thể tiếp tục thu hẹp phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả hoạt động, các nguồn tài chính, và khả năng quân sự của nhóm Nhà nước Hồi giáo tới một mức độ có thể lo liệu được. Và vấn đề sẽ là làm thế nào để chúng ta có được một sách lược đúng đắn", ông Obama nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết quân đội nước này đang xem xét nhiều sự lựa chọn khác nhau, trong đó có cả việc thực hiện những vụ không kích nhắm vào các mục tiêu của nhóm IS ở Syria.
IS đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới trong mùa hè năm nay sau khi giành quyền kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ ở phía bắc và tây Iraq, đe dọa tàn sát cộng đồng thiểu số và tôn giáo trừ khi họ chuyển sang nhánh đạo Hồi cực đoan của họ.
Yên Yên (Theo Người đưa tin)