Yến mạch là một loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ cao, có tác dụng làm giảm cholesterol và lượng đường trong máu. Vậy Công dụng yến mạch cụ thể như thế nào, chúng có tác dụng phụ khi sử dụng sản phẩm hay không?
1. Yến mạch
Yến mạch có nguồn gốc từ thực vật, chứa carbohydrate hấp thu chậm, giúp có cảm giác no lâu và cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc. Yến mạch gồm có hạt (sử dụng làm thực phẩm), lá, thân và cám (lớp vỏ ngoài của hạt yến mạch, thường dùng làm thuốc).
Cám yến mạch và yến mạch nguyên chất rất tốt cho người huyết áp cao, cholesterol cao, người bị bệnh đái tháo đường, ung thư đại tràng, bệnh tim, sỏi thận, có vấn đề tiêu hoá, như bệnh viêm ruột, tiêu chảy, táo bón...
Yến mạch được sử dụng phổ biến ở các nước Châu Âu. Trước kia, cây yến mạch thường được người La Mã và Hy Lạp cổ đại cắt về để làm thức ăn cho gia súc. Mãi cho đến thế kỷ thứ 18, sau khi được đưa vào nghiên cứu, người ta mới biết cây yến mạch có giá trị dinh dưỡng và được xếp vào nhóm 1 trong những loại ngũ cốc có chất lượng cao cho sức khỏe.
Cây yến mạch trưởng thành có chiều cao trung bình khoảng 1 mét, thân nhỏ, không có nhánh, màu xanh. Bên trong rỗng ruột tương tự như cây lúa. Khi già, thân và lá đều chuyển thành màu vàng sậm hoặc vàng nâu. Các đất nước dùng yến mạch nhiều nhất là: Mỹ, Úc hay Nga. Ở nước ta chưa trồng được loại cây này mà chủ yếu được nhập khẩu.
2. Công dụng của yến mạch
Yến mạch có thể sử dụng như chế độ ăn ít béo và cholesterol. Yến mạch nguyên hạt cung cấp 750mg chất xơ hòa tan, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong yến mạch có chứa acide linéique và chất xơ hòa tan, làm giảm nồng độ triglycéride và cholesterol xấu trong máu.
Ăn ba bát yến mạch mỗi ngày (tương đương với 28 gam yến mạch trong khẩu phần ăn) có thể làm giảm lượng cholesterol toàn phần. Các loại sản phẩm xuất xứ từ yến mạch như bánh xốp yến mạch, cám yến mạch, bột yến mạch... có thể có tác dụng khác nhau trong việc làm giảm cholesterol. Yến mạch có công dụng làm sạch các chất mỡ lắng đọng ở thành động mạch, giúp làm giảm gây xơ vữa động mạch, đau tim và tai biến mạch não (đột quỵ).
Yến mạch có công dụng với người đái tháo đường. Yến mạch giúp giảm hấp thụ glucose ở ruột, giảm những “đỉnh” đường máu, hỗ trợ cho cho bệnh nhân đái đường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ăn yến mạch nguyên hạt và cám yến mạch trong 6 tuần có thể giảm lượng đường trong máu và nồng độ insulin. Việc sử dụng 50 gam cám yến mạch mỗi ngày (chứa khoảng 25 gam chất xơ hoà tan) có thể mang lại hiệu quả tốt hơn chế độ ăn chất xơ theo tiêu chuẩn (khoảng 24 gam) do hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị.
Bữa ăn sáng với yến mạch giúp cảm giác no lâu, hỗ trợ Giảm cân hiệu quả. Carbohydrate trong yến mạch hấp thụ chậm giúp kiểm soát sự thèm ăn. Ngoài ra, yến mạch còn có tác dụng phòng ngừa ung thư dạ dày. Người ăn yến mạch và cám yến mạch nguy cơ ung thư dạ dày thấp hơn so với những người không ăn. Người sử dụng yến mạch xanh có thể cải thiện chức năng của trí não. Đáng chú ý, với người mắc bệnh HIV, việc ăn yến mạch có thể ngăn ngừa sự tích tụ chất.
Ngoài ra, yến mạch có công dụng lợi tiểu, bởi trong yến mạch có chứa lượng chất khoáng silicium, có tác dụng thải trừ acid uric, thậm chí còn giúp dự phòng gút và viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, yến mạch cũng có tác dụng với một số tình trạng khác tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cụ thể, ví dụ như giảm lo âu hay bồn chồn, bàng quang yếu, ngăn chặn chất béo được hấp thụ từ ruột, táo bón, bệnh viêm ruột, bệnh gout, rối loạn khớp và gân, bệnh ngoài da...
3. Một số tác dụng phụ và cảnh báo
Cám yến mạch hay yến mạch nguyên hạt an toàn cho mọi người khi dùng dưới dạng thực phẩm đã được chế biến. Bạn không nên dùng bột yến mạch nguyên chất vì chúng có thể gây ra khí đường ruột và đầy hơi. Khi mới ăn yến mạch, bạn nên sử dụng với liều lượng thấp và tăng từ từ liều lượng để quen thì thì các tác dụng phụ này có thể sẽ biến mất. Dung dịch làm đẹp chiết xuất từ yến mạch cũng an toàn trên da, tuy nhiên với một số người có thể gây tình trạng nổi mụn.
Theo khuyến cáo, phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú có thể sử dụng yến mạch nguyên chất nhưng những đối tượng này nên dùng yến mạch ở dạng thực phẩm đã được chế biến. Người khó nuốt và nhai cũng cần tránh ăn yến mạch bởi việc nhai sơ, không nhai kỹ yến mạch có thể gây nguy cơ tắc nghẽn ruột. Rối loạn tiêu hoá cũng nên tránh ăn các sản phẩm yến mạch vì chúng có thể gây khó tiêu, ngăn chặn đường ruột.
4. Liều lượng sử dụng
Đối với trường hợp có cholesterol cao: Khuyến nghị dùng 56-150 gam sản phẩm yến mạch nguyên chất như (cám, bột yến mạch…) chứa 3.6-10 gam betaglucan (chất xơ hoà tan) hàng ngày.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường: Sử dụng yến mạch nguyên chất chứa 25 gam chất xơ hòa tan, 75 gam bột yến mạch khô có chứa khoảng 3 gam betaglucan hoặc 38 gam cám yến mạch.
Ảnh minh họa