Gia đình người mẫu kiêm DJ 25 tuổi người Australia Sharky Jama xác nhận anh này đã chết do trúng đạn khi đang tham chiến trong lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
CNN dẫn lời ông Hussein Harakow, quan chức tại bang Victoria cho biết, gia đình Sharky Jama ở Melbourne nhận tin báo qua tin nhắn và điện thoại hôm 13/4. Họ đang rất sốc và tuyệt vọng.
Theo ông Harakow, gia đình Jama không hề biết anh này đã gia nhập IS dù các phương tiện truyền thông của tổ chức này thường đưa tin về các hoạt động của Jama. Jama chưa bao giờ nói với cha mẹ về những việc anh đang làm.
"Jama không bao giờ giải thích về những gì đang xảy ra ở đó cũng như những việc mà cậu ta đang làm với bố mẹ. Gia đình họ sống rất đơn giản và không bao giờ thảo luận về những vấn đề kiểu này", ông Harakow nói với CNN.
Cựu người mẫu Jama mất tích từ tháng 8 năm ngoái cùng một người bạn người Australia gốc Somalia tên là Yusuf Yusuf.
Theo ông Harakow, về sau cha mẹ của Jama hay tin con trai đang sống tại thành phố Falluja của Iraq, khu vực IS chiếm đóng. Nhưng giờ đây người ta cho hay con trai họ chết do trúng đạn tại Syria.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết, do tình hình hết sức nguy hiểm tại Syria và Iraq nên cơ quan này chưa thể xác minh thông tin về cái chết của công dân Jama.
Cựu người mẫu Australia gia nhập IS đã thiệt mạng do trúng đạn
"Do tình hình an ninh cực kì nguy hiểm, sự trợ giúp từ cơ quan lãnh sự ở Syria đã không còn nên chúng tôi rất khó xác minh", người phát ngôn cho biết.
Trong một diễn biến khác, Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Australia vừa công bố báo cáo nêu lên “nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng” từ số lượng các chiến binh người Australia gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Số liệu cho thấy, ngày càng có đông thanh niên bị lôi kéo tham gia vào các cuộc nội chiến dưới lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo dù Australia là nước có các biện pháp được cho là khá mạnh tay với các công dân tham gia thánh chiến.
Chẳng hạn theo luật mới của Australia , bất cứ công dân nào đã đặt chân tới các vùng cấm, tức những khu vực bị liệt vào danh sách là hang ổ của các tổ chức khủng bố, khi trở về nước có thể phải đối diện với mức án 10 năm tù.
Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop cho biết, 90 công dân nước này gia nhập lực lượng IS tại Iraq và Syria và ít nhất 20 người đã chết trong các cuộc giao tranh.
Không chỉ riêng nước Australia phải đối mặt với thực tế ngày càng nhiều công dân của họ, bao gồm các thiếu nữ trẻ bị lôi kéo tham gia thánh chiến cũng như hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… và thậm chí cả các quốc gia châu Á như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia cũng đang gặp phải vấn đề tương tự.
Yên Yên (CNN)