Anh Phương cùng hai đại gia khác bận quần tà- lỏn đến showroom xe hơi ở Cần Thơ. Nhân viên show room thấy khách ăn mặc lôi thôi lếch thếch muốn đuổi nhưng vì lịch sự, chỉ hờ hững ậm ừ. Ba ông nông dân chạm tự ái, để lên bàn 3 cọc tiền đặt mua 3 chiếc xe hơi.
Đại gia chân đất phất nhờ cá tra
Tân Lộc được mệnh danh là "cù lao tỷ phú" ở miền Tây, nổi tiếng từ lâu rồi. Nổi tiếng vì biệt thự, villa nối đuôi nhau mọc lên. Nổi tiếng chuyện nông dân ùn ùn kéo nhau đi mua... xe hơi, từ Innova, Camry đến Land Cruiser, thậm chí cả Lexus thể thao trị giá đến 135.000 USD...
Cù lao Tân Lộc nằm ở huyện Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 40 cây số. Dân gian xưa nhắc đến cù lao này bằng câu “Tàu Nam Vang chạy qua cồn cát” vì nó nằm thòi loi giữa sông Hậu như hoang đảo.
Cuộc sống hiện đại biến chuyển dần, Tân Lộc hoang sơ thành đông người, từ ấp thành xã nay đã từ xã lên phường như đang dần phố xá.
Thông tin trên báo Một thế giới, “đại gia” Phạm Văn Phương, giàu có tiếng ở Tân Lộc hỏi chuyện làm ăn, anh rổn rảng: “Kinh tế đi xuống. Cũng có hơi buồn. Nhưng nhờ đó mà dân cù lao tỉnh ngộ, không làm ăn rầm rầm như trước”.
Anh kể: Cái thời dân cù lao “hốt bạc” qua rồi. Hồi đó con cá da trơn trúng đậm, dân cù lao nhiều người lên đời thành tỷ phú. Dân cù lao thi nhau đầu tư nuôi cá. Nguyên một cái cù lao rộng mênh mông lởm chởm ao hồ theo cơn sốt da trơn. Giàu lên, ai cũng rổn rảng ăn chơi. Ăn chơi tới mức nổi tiếng.
Ba ông nông dân chạm tự ái, để lên bàn 3 cọc tiền đặt mua 3 chiếc xe hơi.
Anh Phương hồi đó là nhân vật chính trong một bài báo, nhắc lại anh khoát tay buồn: “Chuyện đó có, nhưng không dữ dằn vậy. Người ta bịa tạc thêm vậy mà”.
Số là năm 2007, tờ báo có tiếng đăng bài kể chuyện nông dân Tân Lộc ùn ùn kéo nhau đi mua... xe hơi, từ Innova, Camry đời 2007 đến Land Cruiser, thậm chí cả chiếc Lexus thể thao trị giá đến 135.000 USD.
Anh Phương cùng hai tỷ phú khác bận quần tà- lỏn đến showroom xe hơi ở Cần Thơ. Nhân viên show room thấy khách ăn mặc lôi thôi lếch thếch muốn đuổi nhưng vì lịch sự, chỉ hờ hững ậm ừ.
Ba ông nông dân chạm tự ái, để lên bàn 3 cọc tiền đặt mua 3 chiếc xe hơi. Nhưng khổ nỗi vì cù lao nằm thoi loi giữa sông Hậu, qua lại bằng chiếc trẹt (ghe) nhỏ xíu nên xe mua về phải thuê chỗ gửi bên đất liền, tốn 200.000 đồng/tháng. Hồi đó báo đăng 90% đàn ông cù lao đi học lái xe hơi.
Anh cười nói đó là người ta đồn vậy. Nhưng chuyện mua xe là có thật. Năm 2007, giá cá tra cao ngất ngưởng, dân cù lao trúng đậm. Không giống những vùng đất khác nằm cặp sông Hậu, cù lao Tân Lộc được thiên nhiên ưu đãi cho lợi thế nguồn nước sạch giữa sông, đất đai biệt lập... rất thích hợp cho cá tra phát triển, không bệnh nhiều mà năng suất lại cao.
Anh Phương là nông dân nghèo từ Cà Mau lên buôn bán đường dài, sau đó mở lò đường, rồi làm đường thất bát nên chuyển sang làm vườn và tập nuôi cá tra. Đại gia Phương trúng lớn, mở rộng diện tích lên 60.000m2, nuôi gần 3 triệu con. Cứ mỗi trên 20 ngày xuất 200-300 tấn cá.
“Hồi đó nuôi cá mỗi năm hốt vài tỷ bạc dễ như chơi. Có người một năm gom tròm trèm vài chục tỷ”-anh kể.
Cũng giống như anh Phương, anh Trần Ngọc Lợi từng mở lò đường rồi trồng nhãn, cuối cùng nuôi cá. Năm 2006 anh lãi trên 3 tỉ đồng. Còn Út Ba, 37 tuổi nhưng đã trở thành một trong những tỉ phú lừng lẫy ở cù lao: Cứ hai tháng anh rót vào túi trên 1 tỉ đồng tiền lãi. Cái cảnh hai vợ chồng hái rau nhút đội ra chợ bán lùi vào quá khứ...
Tỷ phú mới nổi nhan nhản. Trên bờ mua ô tô. Dưới nước mua ca nô nhiều mã lực. Cưới hỏi, ma chay, ăn nhậu hè nhau rẽ sóng, nước tung trắng xóa.
Ca nô ở Tân Lộc công suất còn cao hơn của công an nhiều mã lực. Nên người xứ này hay kể chuyện mấy ông cảnh sát đường sông “dí” không kịp tỷ phú cù lao.
Chuyện tỷ phú cá tra sắm xe hơi mua cano ở cồn này không còn nữa rồi. Nhiều ông chủ phải cầm cố xe hơi, đất, nhà cửa do thua lỗ cá tra liên tiếp. (Ảnh minh họa).
Đại gia lao dốc cũng vì.. cá tra
Cơn sốt da trơn khiến cù lao bị cày xới nhằng nhịt. Dân đào ao thả cá, cán bộ mua đất đào ao thả cá. Vườn cây bị đốn bỏ đào lên. Người mê tín bảo Tân Lộc trừ “mộc” rước “thủy” là sai sách. Vì cù lao nằm giữa bốn bề con nước, rước thêm nước thì thừa thải, ắt sinh tai họa.
Tai họa đến thật. Vòng quay của kinh tế “ăn xổi ở thì” đến nhanh. Khi cá được giá thì ào ạt thả cá, đâm ra thừa nguyên liệu. Thừa thì ế ẩm. Chưa đầy một năm sau. Xe hơi của các tỷ phú biến mất dần trong nợ nần. Không chỉ các hộ nuôi cá bị lỗ mà các "quan" nuôi cá cũng chết dở.
“Khi nghề nuôi cá tra hưng thịnh thì cá bán giá nào cũng có người mua, vì thế giá đất tăng đến chóng mặt”, anh Hữu Nghĩa người môi giới đất cá tra nói. DN thủy sản và nhiều người ở xứ khác cũng kéo về bên bờ sông Tiền mua đất nuôi cá, đặt nhà máy chế biến. Những mảnh đất bãi bồi ven sông Hậu Giang, sông Cổ Chiên… bị xẻ ra nuôi cá. Nhu cầu tăng đẩy đất cá tra ở ĐBSCL lên 160 - 170 cây vàng/ha (năm 2007). Ở quận Ô Môn, DN từng phải xếp hàng chờ thuê đất dự án “Phát triển nuôi thủy sản kết hợp du lịch sinh thái” quy mô 30 ha…
Nhưng rồi, giá cá tra bắt đầu “lao dốc” xuống 16 nghìn đồng/kg vào năm 2008, lợi nhuận của người nuôi chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg. Kinh doanh không còn thuận lợi, những hầm nuôi cá tra từng được coi là “đất vàng” bắt đầu mất giá thê thảm...
“Liên tiếp từ năm 2010 đến nay, người nuôi cá tra càng làm càng lỗ. Tháng 6/2014, tôi chính thức chia tay với con cá tra và rao bán toàn bộ diện tích nuôi trồng với giá 3 cây vàng/công đất để có tiền trả nợ. Nhưng đến nay vẫn chưa có người hỏi mua đất”, một người dân tâm sự.
Đại gia cá tra số một của phường là ông Đời, có trên 20 ha ao nuôi, là người đầu tiên hốt bạc nhờ cá ở Tân Lộc, cũng là người xây nhà lầu, mua xe hơi rồi mua canô chạy đầu tiên ở cù lao này. Sau mấy năm, ông Đời thua lỗ cả chục tỷ đồng, phải tính kế dồn vốn liếng, vay mượn nuôi trên 1/2 diện tích, còn lại bỏ trống. Hiện nay giá cá dậm chân tại chỗ nên hầu hết hộ nuôi trong phường bị lỗ, vài hộ nuôi giỏi có cơ may huề vốn.
Chuyện tỷ phú cá tra sắm xe hơi mua cano ở cồn này không còn nữa rồi. Nhiều ông chủ phải cầm cố xe hơi, đất, nhà cửa do thua lỗ cá tra liên tiếp. Cù lao không còn mấy ai đóng góp vào việc phúc lợi xã hội nên phường thành ra chậm phát triển.
Nhưng trong họa có phúc, nhờ “trận đòn” ấy mà dân Tân Lộc tỉnh ngộ, không còn làm ăn kiểu trào lưu rần rần như trước.
“Cũng nhờ vậy mà cù lao phát triển được kinh tế đa thành phần, phát triển chậm nhưng ổn định”-ông My tâm sự. Mừng nhất là cù lao trở lại yên bình, không còn cảnh dở quê dở phố, đổ xô nhau kiếm tiền như trước. Chỉ vào dãy biệt thự, vila dọc đường cù lao, ông nói rằng đó là những tỷ phú “bền vững”, biết làm ăn lâu dài.
Bây giờ tỷ phú ở cù lao là tỷ phú thật, không phải tỷ phú “bỗng dưng” như trước, tỷ phú ngông cuồng đã lùi vào dĩ vãng.
Theo Đời sống pháp luật